Apple mong muốn tích hợp Al tạo sinh trên điện thoại di động
Tham vọng đưa trí tuệ nhân tạo lên iPhone của Apple thể hiện qua các vị trí tuyển dụng cũng như các thương vụ thâu tóm gần đây.
Apple đang âm thầm tăng cường năng lực trí tuệ nhân tạo. Tập đoàn này đã thực hiện một loạt các vụ mua lại, tuyển dụng nhân sự và cập nhật phần cứng để tích hợp AI vào thế hệ iPhone sắp tới. Theo Financial Times, các nguồn dữ liệu ngành và tài liệu học thuật cùng với thông tin từ bên trong ngành cho thấy rõ rằng trụ sở của Apple tại California đang tập trung giải quyết các thách thức công nghệ liên quan đến việc triển khai AI trên các thiết bị di động.
Apple đã mua lại các startup AI, thâu tóm 21 startup từ đầu năm 2017, theo nghiên cứu của PitchBook. Giao dịch mới nhất là mua lại WaveOne vào đầu năm 2023, startup cung cấp tính năng nén video dựa trên AI.
- Apple đưa AI tạo sinh lên iPhone và các sản phẩm khác của hãng
- Replika – một trong những ứng dụng tạo mối quan hệ ảo phổ biến nhất hiện nay
- Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thay đổi Olympic 2024 thế nào
- Các ông lớn trong giới công nghệ nỗ lực tích hợp AI tạo sinh trên smartphone
- Vụ kiện Apple thao túng thị trường khác gì với vụ kiện của Microsoft năm 1998?
Theo nhà phân tích Dan Ives của hãng chứng khoán Wedbush Securities, dự kiến Apple sẽ thực hiện một giao dịch AI lớn trong năm nay vì đang có một cuộc chạy đua AI và hãng không thể đứng ngoài.
Theo một nghiên cứu mới đây từ Morgan Stanley, gần một nửa số bài đăng tuyển dụng về trí tuệ nhân tạo của Apple đều chứa thuật ngữ “học sâu” (deep learning), liên quan đến những thuật toán mạnh mẽ đứng sau AI tạo sinh. Năm 2018, Apple đã chiêu mộ John Giannandrea, một chuyên gia hàng đầu về AI của Google.
Trong khi các đối thủ lớn như Microsoft, Google và Amazon công bố các khoản đầu tư lớn vào công nghệ tiên tiến này nhưng Apple vẫn giữ bí mật về kế hoạch của mình. Theo những người trong ngành, hãng đang phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình – công nghệ nền tảng của các chatbot AI như ChatGPT của OpenAI.
Vào mùa hè năm 2023, CEO của Apple, Tim Cook, đã chia sẻ với các nhà phân tích rằng công ty đang “nghiên cứu một loạt các công nghệ AI” và đang đầu tư một cách “có trách nhiệm” trong lĩnh vực công nghệ mới.
Dường như mục tiêu của Apple là vận hành AI trực tiếp trên các thiết bị di động, cho phép chatbot và ứng dụng AI hoạt động trên phần cứng cũng như phần mềm của điện thoại thay vì dựa vào các dịch vụ đám mây tại các trung tâm dữ liệu.
Thách thức công nghệ đó đòi hỏi phải giảm kích thước của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cũng như cần đến các bộ xử lý hiệu suất cao hơn. Trong khi đó, các đối thủ khác trong lĩnh vực thiết bị di động như Samsung và Google đã phát triển và tung ra thị trường các sản phẩm mới tích hợp AI tạo sinh trực tiếp trên điện thoại.
Dự kiến, tại Hội nghị Nhà phát triển Toàn cầu (WWDC), Apple sẽ giới thiệu hệ điều hành iOS 18. Nhà phân tích của Morgan Stanley hy vọng rằng hệ điều hành mới này sẽ tập trung vào lĩnh vực AI tạo sinh và có thể bao gồm trợ lý giọng nói Siri dựa trên LLM.
Igor Jablokov, CEO của tập đoàn Pryon kiêm nhà sáng lập công ty nhận diện giọng nói Yap đánh giá rằng Apple có vẻ đang lùi lại phía sau và đang chờ đợi cho đến khi công nghệ có sự hợp nhất. Ông cho rằng Apple có thể sẽ là một trong những đại diện xuất sắc nhất của công nghệ đó.
Ngoài ra, Apple cũng đã tiết lộ về các chip mới với sức mạnh lớn hơn để chạy AI tạo sinh. Mới đây, công ty cho biết bộ xử lý M3 Max cho MacBook “mở khóa quy trình làm việc trước đây không thể có trên máy tính xách tay”, cho phép các nhà phát triển AI làm việc với hàng tỷ tham số dữ liệu.
Chip S9 mới cho các phiên bản Apple Watch đã được giới thiệu vào tháng 9/2023 cho phép trợ lý ảo Siri truy cập và ghi nhật ký dữ liệu mà không cần kết nối mạng. Đồng thời, chip A17 Pro trên iPhone 15 cũng sở hữu một neural engine có tốc độ gấp đôi so với các thế hệ trước đó.
Dylan Patel, nhà phân tích của hãng tư vấn bán dẫn SemiAnalysis, nhận định rằng từ quan điểm kiến trúc và thiết kế, rõ ràng Apple đang hướng đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Đội ngũ nghiên cứu của Apple đã chứng minh sự đột phá trong việc triển khai LLM trên thiết bị thông qua việc sử dụng bộ nhớ Flash. Điều này có nghĩa là các truy vấn có thể được xử lý nhanh chóng hơn, thậm chí không cần kết nối mạng.
Hai tháng trước đó, Apple đã giới thiệu “Ferret”, một LLM có mã nguồn mở hợp tác với Đại học Columbia. Ferret hiện tại được sử dụng chủ yếu cho mục đích nghiên cứu và hoạt động như một cặp mắt thứ hai giúp người dùng nhận biết đối tượng cụ thể trong hình ảnh.
Amanda Stent, Giám đốc Viện Davis về Trí tuệ Nhân tạo tại Colby College đã chia sẻ rằng một trong những thách thức của LLM là chỉ trải nghiệm thế giới qua văn bản. Vì vậy, Ferret khá thú vị vì “có thể bắt đầu kết nối ngôn ngữ với thế giới thực theo đúng nghĩa đen”. Tuy nhiên, theo Stent, ở giai đoạn hiện tại, chi phí để thực hiện các truy vấn “suy luận” vẫn rất lớn.
Công nghệ Ferret có thể được ứng dụng như một trợ lý ảo giúp người dùng biết ai đó đang mặc nhãn hiệu áo sơ mi nào trong cuộc gọi video và sau đó đặt hàng thông qua một ứng dụng.
Gần đây, Microsoft đã vượt qua Apple để trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất thế giới do các nhà đầu tư đánh giá cao những động thái của họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, những nhà phân tích của Bank of America đã nâng xếp hạng cho cổ phiếu Apple tuần trước. Họ kỳ vọng rằng chu kỳ nâng cấp iPhone sẽ được thúc đẩy nhờ những tính năng AI mới dự kiến xuất hiện trong năm nay và năm 2025.
Laura Martin, một nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng đầu tư Needham đánh giá cao chiến lược AI của Apple “vì lợi ích của hệ sinh thái Apple và bảo vệ nền tảng người dùng vững mạnh”.