Nan giải vấn nạn vi phạm bản quyền thời kỳ công nghệ số
Công nghệ trong thời đại số là phương tiện kết nối con người lại với nhau, mang đến cho chúng ta rất nhiều tiện ích và cơ hội. Chúng ta có thể thưởng thức nghệ thuật với nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, trước sự chuyển đổi này, các đơn vị hoạt động nghệ thuật và nghệ sĩ gặp không ít thách thức trong vấn đề vi phạm bản quyền.
Mục lục
Mạng xã hội, như YouTube, Facebook, đang là môi trường có nhiều vi phạm bản quyền nhất
Tháng 11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành văn bản số 3382/QĐ-BVHTTDL về việc thu hồi giải thưởng (giải Nhì) tại Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức đối với thí sinh Thạch Hiểu Lăng, kèm tiền thưởng là 5.000.000đ (Năm triệu đồng).
Tác phẩm “Số không” của biên đạo Mai Minh Anh Khoa – Lê Hải, biểu diễn Thạch Hiểu Lăng – Huỳnh Nhựt Hòa bị cho là sao chép tác phẩm của một công ty nước ngoài ra mắt từ năm 2017. Trong thế giới phẳng như ngày nay, không khó để phát hiện ra những vụ đạo nhái thế này, khi mà tác giả của tiết mục nghệ thuật này lại tình cờ xem được tác phẩm của mình trên mạng xã hội.
- Vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng diễn biến phức tạp
- Cần mạnh tay xử lý tình trạng vi phạm bản quyền sách nói
- Bức xúc trước tình trạng vi phạm bản quyền sách số
- Trạng Tí rước nỗi lo bị tẩy chay vì bị cho là có lỗi về bản quyền
- Trong tranh chấp quyền tác giả, cần có biện pháp Bảo vệ người thứ ba ngay tình
Đây chỉ là một trong hàng trăm nghìn vụ việc ngang nhiên vi phạm bản quyền tại nước ta, từ các chương trình biểu diễn cho đến các chương trình trực tuyến.
Hiện chưa có bất kỳ một nghiên cứu, tổng kết hoặc đánh giá nghiêm túc và đầy đủ nào ở Việt Nam về hiện trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều đáng nói là, những vi phạm được thống kê lại mới chỉ tính ở các chương trình quy mô lớn. Ở các phạm vi nhỏ, vi phạm bản quyền diễn ra dưới muôn hình vạn trạng, và ngày càng có những cách thức tinh vi hơn. Đây đã trở thành tình trạng phổ biến, và là nguy cơ đối với ngành công nghiệp văn hóa vốn đã rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Việt Nam vẫn đang loay hoay trong bảo vệ bản quyền thời đại công nghệ số
Cho dù Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ; đồng thời tham gia các công ước của quốc tế, thậm chí “bắt tay” với các mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như Facebook, Youtube… nhưng việc ngăn chặn vi phạm bản quyền đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Chúng ta vẫn đang loay hoay trong một vòng luẩn quẩn, bởi nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Có thể kể đến nguyên nhân khách quan của hiện trạng này, là việc sử dụng miễn phí và chưa có ý thức tôn trọng luật sở hữu trí tuệ của đa số công chúng, cũng như nhiều đơn vị sản xuất. Năng lực chuyên môn, thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện kỹ thuật trong các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cũng là một trong những yếu tố khiến việc thực thi bản quyền ở Việt Nam nói chung còn hạn chế.
Đa phần việc khởi kiện dân sự đòi quyền lợi hợp pháp của bản quyền đang gặp phải nhiều khó khăn như: khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền cũng không đạt hiệu quả, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém, nhiều vụ vi phạm kể trên đã khởi kiện nhưng chưa thụ lý, chưa xét xử hoặc bị đơn không chấp hành yêu cầu có mặt tại tòa án. Điều này dẫn đến hành vi xâm phạm tràn lan, xử lý chỗ này lại mọc lên chỗ kia, không khác nào hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa”.
Hơn nữa, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật, với thực trạng vi phạm về quyền tác giả hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm đều rất khó để ngăn ngừa hành vi xâm phạm, khó tác động kịp thời đến nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng, hình phạt và mức hình phạt thiếu tính giáo dục, răn đe. Đặc biệt là, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, đã không thực sự bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả trong môi trường Internet.
Đối với vấn đề này, luật sư Quách Minh Trí đưa ra lời khuyên: “Những chủ thể sáng tạo nghệ thuật hãy tự bảo vệ trước khi nhờ đến pháp luật bảo vệ mình. Cụ thể, các tác giả cần tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình, tức là đi đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng. Ngoài ra, chúng ta cần có những hiệp hội và Nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ những hiệp hội bảo vệ quyền tác giả ở các lĩnh vực.”
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: “Cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả xã hội, phải có những giải pháp đồng bộ để hạn chế vi phạm, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, đến sự vào cuộc của truyền thông nâng cao nhận thức để người dùng hiểu rằng, vi phạm bản quyền là việc làm bất hợp pháp. … thì mới có thể dẹp bỏ vấn nạn vi phạm bản quyền nhức nhối hiện nay.”
Nguồn:
http://www.baolaocai.vn/bai-viet/10376/ban-quyen-khong-the-tuy-tien