Telegram – hang ổ online của tội phạm mạng
Gần một phần ba người dùng Internet Việt Nam có tài khoản Telegram, nhưng đây cũng là nơi tội phạm mạng hoạt động công khai, điển hình là các vụ lừa đảo.
“Nhận mở tài khoản ảo, ‘bao’ rút tiền, chuyển tiền sinh trắc học” là một trong những quảng cáo phổ biến trên các nhóm Telegram chuyên về mua bán tài khoản ngân hàng, đặc biệt sau ngày 1/7, khi quy định về xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền chính thức áp dụng tại Việt Nam.
Nhóm này xuất hiện từ năm 2023, thu hút hơn 4.000 thành viên, chuyên cung cấp các dịch vụ như tạo tài khoản theo yêu cầu, làm giấy tờ giả. Mặc dù tính xác thực của các dịch vụ được quảng cáo chưa được kiểm chứng nhưng sự tồn tại của nhóm và các hoạt động này là minh chứng cho thấy một thế giới ngầm tồn tại trên Telegram, nơi tội phạm mạng dễ dàng hoạt động mà không bị phát hiện.
- Hình ảnh khiêu dâm deepfake của Taylor Swift xuất hiện tràn ngập trên nền tảng X
- Apple chính thức phát hành iOS 18.1 với tính năng ghi âm cuộc gọi trên iPhone
- Mỹ chuẩn bị quy định hạn chế đầu tư vào AI tại Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia
- Microsoft chính thức cáo buộc Google “chơi xấu”
- OpenAI sắp trình diện mô hình AI mới, mạnh hơn GPT-4 100 lần
Trước đây, tội phạm mạng thường hoạt động trên dark web, một phần chìm của Internet mà người dùng phải sử dụng trình duyệt đặc biệt như Tor và các URL phức tạp để truy cập. Điều này giúp chúng che giấu danh tính và thông tin cá nhân, tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng và hạn chế sự truy cập của người dùng thông thường.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Telegram đã trở thành một loại dark web mới, khi các hoạt động tội phạm diễn ra một cách công khai trên nền tảng này. Được sáng lập bởi tỷ phú Pavel Durov, Telegram cho phép bất kỳ ai truy cập chỉ cần tải ứng dụng từ App Store, Play Store hoặc thậm chí sử dụng trực tiếp trên trình duyệt web thông thường.
Theo báo cáo từ tháng 7 của công ty bảo mật Kaspersky, “tội phạm mạng ngày càng xem Telegram như một nền tảng lý tưởng cho các hoạt động thị trường ngầm”. Thông qua các kênh và nhóm, chúng quảng cáo công khai các dịch vụ bị cấm, từ dữ liệu cá nhân, nội dung khiêu dâm, dịch vụ tấn công mạng cho đến buôn bán vũ khí và ma túy. Thống kê của Kaspersky cho thấy số lượng bài đăng về những dịch vụ này trên nền tảng Telegram trong tháng 5-6 đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thông báo ngày 23/7, Pavel Durov tiết lộ rằng nền tảng này đã đạt mốc 950 triệu người dùng, tăng 50 triệu so với ba tháng trước đó và gần gấp đôi so với 500 triệu người dùng vào đầu năm 2021. Điều này đã đưa Telegram trở thành một trong những nền tảng có lượng người dùng lớn nhất trên thế giới.
Nhờ các công cụ như nhóm chat và kênh, kẻ xấu dễ dàng tạo ra những cộng đồng để trao đổi thông tin phi pháp. Những nhóm này có thể chứa đến 200 nghìn thành viên và dễ dàng tìm kiếm thông qua công cụ của chính nền tảng. “Bất cứ điều gì ai đó có thể tưởng tượng ra, Telegram gần như chắc chắn có,” Fortune bình luận.
Tại Việt Nam, Telegram không chỉ bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch phi pháp mà còn là nơi các nhóm lừa đảo săn mồi, đặc biệt trong các vụ lừa đảo “cộng tác viên” và “làm nhiệm vụ” rộ lên vào năm 2023. Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết kịch bản thường thấy là kẻ gian tiếp cận người dùng qua các bài đăng trên mạng xã hội như Facebook, sau đó nhắn tin hoặc gọi điện thoại và đề nghị kết nối qua Telegram.
Theo ông Hiếu, mặc dù bất kỳ ứng dụng chat nào cũng có thể bị lợi dụng theo cách này nhưng Telegram được lựa chọn vì tính ẩn danh và khả năng xóa dấu vết thông qua tính năng tự hủy tin nhắn. Trên Messenger, các tài khoản ảo có thể dễ dàng bị phát hiện qua hồ sơ Facebook trong khi Telegram không yêu cầu bất kỳ thông tin nào ngoài số điện thoại nhận OTP, số này có thể dễ dàng thuê hoặc mua thông qua các dịch vụ cung cấp hàng loạt.
Theo thống kê của DataReportal vào đầu năm 2024, tỷ lệ người dùng Telegram tại Việt Nam đạt 32,6% trong số người sử dụng Internet trong độ tuổi từ 16 đến 64, tức là cứ ba người thì có một người sử dụng ứng dụng này. Tuy nhiên, thực trạng lừa đảo đã khiến Telegram vừa trở thành lựa chọn phổ biến cho những người cần một ứng dụng chat tiện lợi và đa tính năng, vừa trở thành môi trường nguy hiểm cho những người thiếu nhận thức về an toàn thông tin mạng.
Nếu theo lộ trình, Telegram có thể sớm đạt mốc 1 tỷ người dùng trong năm nay và nhắm đến mục tiêu 1,5 tỷ người dùng vào năm 2030 theo mong muốn của Durov. Để duy trì sự độc lập, Durov đang tìm kiếm thêm nguồn vốn từ việc gọi đầu tư qua trái phiếu, dự định IPO và bán quảng cáo. Trên Financial Times, nhà sáng lập từng tiết lộ đã huy động được khoảng 2 tỷ USD và thu về “hàng trăm triệu USD” từ quảng cáo. Telegram cũng đang phát triển lại TON, một loại tiền điện tử có thể được sử dụng cho các giao dịch trên nền tảng và mua bán quảng cáo, với giá trị vốn hóa hiện đạt 15 tỷ USD, đứng thứ 9 trên thị trường.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể thay đổi sau khi Durov bị bắt.
Vào sáng ngày 24/8, nhà sáng lập Telegram đã bị bắt khi đang bay đến Pháp. Cơ quan OFMIN, phụ trách ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên tại Pháp đã phát lệnh bắt giữ với cáo buộc Telegram không đủ nhân lực kiểm duyệt và thiếu hợp tác với chính quyền.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 26/8, Telegram cho rằng “thật vô lý” khi nền tảng này phải chịu trách nhiệm về việc bị lạm dụng, đồng thời khẳng định họ tuân thủ các quy định của pháp luật châu Âu, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, và việc kiểm duyệt “đã đạt tiêu chuẩn của ngành”.