Trung Quốc chế tạo robot hình người có biểu cảm khuôn mặt
Công ty phát triển robot hình người Ex-Robots của Trung Quốc dùng AI để nhận biết cảm xúc và thể hiện biểu cảm trên gương mặt.
Tại một nhà máy robot ở phía đông bắc thành phố Đại Liên, Trung Quốc, những chiếc mặt nạ nằm lộn xộn trên bàn làm việc cùng với cánh tay và chân bằng silicon. Những mô hình đầu robot với vẻ ngoài hơi quái dị được trưng bày, bên cạnh đó là các robot hình người đang được thiết kế ở các giai đoạn khác nhau.
Giám đốc điều hành Ex-Robots, Li Boyang, chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi tự xây dựng nhóm phần mềm và thiết kế thuật toán của riêng mình. Robot hình người là loại phức tạp nhất, sử dụng nhiều mô hình và thuật toán, trong đó có các mã nguồn mở nhiều bên sử dụng”. Tuy nhiên, Ex-Robots chú trọng đặc biệt vào việc đào tạo AI để nhận biết và thể hiện biểu cảm.
- Trung Quốc tham vọng trở thành nơi sản xuất robot hàng đầu thế giới
- Trung Quốc giới thiệu hệ thống cánh tay thế hệ mới
- Sự khác biệt lớn nhất giữa AI của Trung Quốc và phương Tây là tính ứng dụng
- Công nghệ 5G giúp ngành Viễn thông Trung Quốc định hình tương lai
- Trào lưu sử dụng Al để người chết ”hồi sinh” bùng nổ tại Trung Quốc
Khi một công nhân của Ex-Robots cử động đầu, mỉm cười và thè lưỡi, robot hình người đối diện sẽ bắt chước chuyển động đó nhờ các động cơ nhỏ được lắp đặt trên đầu và khuôn mặt.
Boyang cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình nền tảng đa phương thức với khả năng biểu đạt cảm xúc. Nó có thể nhận biết môi trường xung quanh và tạo ra phản hồi khuôn mặt phù hợp”.
Ex-Robots cho biết việc sản xuất một robot hình người mất từ hai tuần đến một tháng, giá thành giao động từ 207.000 USD đến 275.000 USD (5-7 tỷ đồng). Các robot này sẽ được sử dụng trong viện bảo tàng và các tòa nhà văn phòng. Công ty tin rằng trong tương lai, robot hình người sẽ có vai trò lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục. “Tư vấn tâm lý và sức khỏe chắc chắn là tương lai của robot. Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu những bối cảnh liên quan như điều trị phụ trợ và sàng lọc sơ bộ các rối loạn cảm xúc, tâm lý. Tôi tin việc tương tác có cảm xúc sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là hoạt động liên quan đến trẻ em,” Li Boyang nói.
Tuần trước, một công ty khác của Trung Quốc là Robot Era đã giới thiệu XBot-L, cao 1,65 mét và khẳng định đây là robot hình người đầu tiên leo Vạn Lý Trường Thành.
Yue Xi, nhà đồng sáng lập Robot Era, cho biết: “Thuật toán RL giúp tăng cường khả năng nhận thức và ra quyết định của robot khi đối mặt với những địa hình xa lạ. Do đó, nó có thể nhận biết điều kiện đường phức tạp và điều chỉnh tư thế một cách kịp thời. So với ‘đi mù’, robot của chúng tôi di chuyển và cân bằng tốt hơn trên các bề mặt phức tạp”.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành siêu cường quốc về robot. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), Trung Quốc sản xuất 290.000 robot công nghiệp, chiếm hơn một nửa số lượng của thế giới vào năm 2022. Viện Điện tử Trung Quốc kỳ vọng thị trường này trị giá 11,5 tỷ USD vào năm 2024. Vào tháng 11/2023, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025.
Với tỷ lệ 322 robot trên 10.000 công nhân, Trung Quốc đứng thứ 5 thế giới về tự động hóa sản xuất, sau Hàn Quốc (1.000 robot trên 10.000 công nhân), Singapore, Nhật Bản và Đức nhưng xếp trên Mỹ (272 trên 10.000) và Pháp. Tỷ lệ này được đánh giá rất ấn tượng vì chi phí lao động ở Trung Quốc thấp hơn so với các nước phát triển trong danh sách.
Chính phủ Trung Quốc xem robot là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất. Trong nhiều năm, họ đã phát triển ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ sử dụng nhiều lao động sang sử dụng nhiều robot. Hàng chục kế hoạch hỗ trợ đã được triển khai ở cả cấp trung ương và địa phương. Ví dụ, từ năm 2015, Quảng Đông đã thực hiện kế hoạch thay thế lao động bằng robot. Đầu năm 2023, chính phủ Trung Quốc công bố “Kế hoạch hành động Robot+” nhằm tự động hóa hầu hết các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp và y tế.