Cần mạnh tay xử lý tình trạng vi phạm bản quyền sách nói
Tình trạng vi phạm bản quyền sách nói là rất phổ biến hiện nay. Rất nhiều sách nói trên youtube chưa được mua bản quyền. Đây là hình thức vi phạm quyền tác giả, có thể bị xử lý theo quy định.
Mục lục
Vi phạm bản quyền sách nói tràn lan
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “sách nói”, “sách audio” trên Google hay YouTube là có hàng trăm kết quả được hiển thị. Để đến các đường link này và tiếp cận “cuốn sách” mong muốn lại càng không khó với thế hệ công chúng 4.0 hiện nay.
Thực tế, sách nói xuất hiện trên nền tảng YouTube từ khá sớm, nhiều video sách nói hiện đã đạt con số triệu view. Đơn cử như cuốn sách nổi tiếng “Hành trình về phương Đông”, “Nhà giả kim”, “Muôn kiếp nhân sinh”… chỉ cần gõ từ khóa tên cuốn sách trên phần tìm kiếm của YouTube, có nhiều kênh sẵn sàng đọc cho người nghe, từ trọn bộ hay chia thành các phần nhỏ.
- Microsoft chính thức cáo buộc Google “chơi xấu”
- Giải Pháp Đột Phá Chuyển Đổi Bảng Biểu Từ Ảnh Sang Excel Với Tốc Độ 40 Khung Hình/ Giây
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
- Ứng dụng gọi xe tích hợp hơn 200 hãng taxi Việt Nam
- Sinh viên Việt Nam xuất sắc giành giải nhất với sáng kiến drone hỗ trợ cứu hộ trong thiên tai
Không chỉ những cuốn sách nổi tiếng, rất nhiều cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được chuyển sang dạng audio book, thỏa mãn nhu cầu “nghe sách” ngày càng tăng của lớp độc giả thế hệ số, nhất là trong thời gian giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, tại Việt Nam, có một số ít ứng dụng sách nói có bản quyền, như: Fonos, Voiz FM… với số lượng sách nói lớn, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Tuy nhiên, cũng có không ít cá nhân, nhóm, công ty… làm audio book để kinh doanh, bán theo gói thông qua USB.
Cuối năm 2019, hơn 80 quyển sách nhiều thể loại đã được đọc, ghi âm và sản xuất thành audio book, sau đó chép vào 1 chiếc USB và phát hành công khai đến bạn đọc… Các page trên Facebook, như: USB sách nói, USB sách nói – Tủ sách thiện tâm thay đổi cuộc đời, USB sách nói – Kinh doanh làm giàu, 83 sách nói kinh doanh hay nhất mọi thời đại… vẫn tồn tại với những lời mời chào mua “sách” vô cùng hấp dẫn.
Một số khác lại kiếm tiền từ YouTube bởi với những video sách nói được đăng tải, các kênh YouTube có thể thu lợi từ quảng cáo hay bán các sản phẩm liên quan. Đáng nói là những cuốn sách được sử dụng để chuyển sang sách nói dưới các hình thức có lợi nhuận này đều chưa được mua bản quyền từ tác giả hay các nhà xuất bản.
Phương thức tạo ra sách nói khá đơn giản bởi với nội dung có sẵn, một người với thiết bị ghi âm đơn giản như điện thoại, microphone là đã có thể làm ra sách nói. Chưa kể, với những tiến bộ của công nghệ, ngày nay còn có những phần mềm có thể biến chữ viết trên trang sách thành các giọng nói đã được chỉnh âm. Nghĩa là chỉ cần quét phần mềm này, các trang sách viết sẽ được đọc thành âm thanh mà không mất thời gian ngồi đọc.
Cần rốt ráo rà soát và mạnh tay xử lý
Tình trạng sách nói vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến diễn ra đã lâu và ngày càng nghiêm trọng nhưng lại chưa có sự rốt ráo kiểm soát và mạnh tay xử lý từ các cơ quan có thẩm quyền. Có những khó khăn trong khâu phát hiện và rà soát bởi một số kênh cá nhân kinh doanh từ sách nói nhưng “núp bóng” hình thức thu âm sách chỉ để chia sẻ phi lợi nhuận.
Bên cạnh đó, một số tài khoản có tên người cụ thể nhưng một số lại không rõ ràng gây trở ngại lớn trong việc tìm ra người vi phạm. Khó nhưng không thể không làm bởi sách lậu không chỉ “giết chết” các nhà xuất bản mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của tác giả.
Về các căn cứ để xử lý sai phạm, Nghị định 131/2013 NĐ-CP có quy định, ngoại trừ trường hợp dành cho người khuyết tật khiếm thị, các tác phẩm từ sách in chuyển thành sách nói, nếu không được sự chấp thuận của đơn vị nắm bản quyền, có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, phía vi phạm cũng phải gỡ bỏ, khắc phục các hậu quả phát sinh liên quan đến vi phạm. Hơn nữa, theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (có sửa chữa, bổ sung năm 2009 và 2019), hình thức sách nói được coi là “tác phẩm phái sinh” của tác phẩm gốc, chuyển thể từ sách giấy sang giọng đọc để người dùng có thể nghe tác phẩm.
Và theo khoản 7, Điều 28 Luật này cũng quy định rõ: “Việc làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh là hành vi xâm phạm quyền tác giả”.
Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, ngoài Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị, bất kỳ ai muốn làm sách nói đều phải liên hệ tác giả hoặc nhà xuất bản của cuốn sách để có bản quyền hợp pháp.