Chuyển đổi số mang lại doanh thu lớn cho Bản quyền Âm nhạc Việt Nam
Hoạt động nghệ thuật trong năm đại dịch COVID-19 gặp khá nhiều khó khăn, nhiều show bị hoãn, hủy vì dịch, các show diễn cũng không được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam vẫn thắng lớn nhờ chuyển đổi số, thu hơn 150 tỷ đồng trong năm nay, một con số thu nhập khủng trong năm COVID-19 gây nhiều bất ngờ.
Mục lục
Thu hơn 150 tỷ đồng nhờ tiền bản quyền
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Năm 2020, tổng doanh thu (trước thuế) của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lên tới hơn 150 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Trong đó, số tiền thu tại phía Bắc là 47.566.866.803 đồng; phía Nam là 102.462.866.176 đồng”. Các nhạc sĩ ngỡ ngàng trước doanh thu này bởi ngay từ đầu năm 2020 tình hình kinh tế sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các ngành đều “tê liệt”.
Lo ngại trước tình hình doanh thu bản quyền âm nhạc từ khu vực biểu diễn sụt tới 74%; khối resort, khách sạn cao cấp giảm 44%, siêu thị, trung tâm thương mại giảm 50%, nhà hàng, quán bar giảm 40%, quán cà phê giảm 60%, karaoke giảm 68%, karaoke file midi giảm 75%, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã quyết tâm tìm ra con đường riêng.
Con đường riêng được Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: “Điều chỉnh kế hoạch hoạt động, tập trung vào việc khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên internet, tích cực áp dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm quốc tế vào mọi hoạt động. Chẳng hạn như chúng tôi đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, phần mềm để quét suốt ngày đêm toàn bộ các chương trình truyền hình, bất cứ tác phẩm âm nhạc nào (kể cả bản thu âm lẫn bản thu hình) của nhạc sĩ đã uỷ quyền được vang lên ở đâu, chúng tôi đều đòi được tiền bản quyền về cho nhạc sĩ. Nhờ vậy, doanh số đã bật lên không ngờ”
Ông cũng cho hay: “VCPMC thường xuyên họp trực tuyến với các tổ chức bản quyền âm nhạc quốc tế và các đối tác nước ngoài. Tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) trên thế giới, riêng năm 2020 tăng 10% so với 2019. Cho nên trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, mọi người ở nhà lại xem TV nhiều hơn, lên mạng nghe nhạc trực tuyến nhiều hơn. Năm 2020, doanh thu tiền bản quyền âm nhạc từ quốc tế tăng tới 95%, đến từ các website, ứng dụng nhạc, mạng xã hội (Youtube, Tik Tok, Facebook…) tăng 49%, phát thanh, truyền hình tăng 11%…”.
Qua biểu đồ theo dõi, năm 2020 nguồn thu tiền bản quyền âm nhạc đến từ Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, ĐỨc, Úc đều tăng vọt so với các năm trước.
Nỗi lo khi nhiều nhạc sĩ “cho không biếu không”
Bên cạnh niềm vui vì doanh thu tăng 12% là, đội ngũ lãnh đạo VCPMC vẫn chia sẻ nỗi lo khi nhiều nhạc sĩ bị vướng phải tình trạng đã không thể thu được đồng nào từ các nền tảng trực tuyến như Youtube, Tik Tok… khi đã “lỡ” ký hợp đồng miễn phí toàn bộ tiền tác quyền.
Ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bản quyền Âm nhạc Việt Nam cho biết: “Các hợp đồng này thậm chí còn có cả điều khoản không kêu ca, phàn nàn gì, cho nên khi phát hiện các nền tảng có sử dụng tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ đã thu được doanh số khá lớn, VCPMC liên lạc yêu cầu trả tiền bản quyền thì rất đau xót là họ đã chìa ra hợp đồng được chính các nhạc sĩ ký kết miễn phí hoàn toàn. Trung tâm có một đội ngũ luật sư dày dạn kinh nghiệm và luôn sẵn sàng hỗ trợ miễn phí tư vấn cho các nhạc sĩ. Mong các nhạc sĩ hãy lưu ý, còn vướng mắc, chưa hiểu điều gì thì nên lên Trung tâm để các luật sư tư vấn. Đừng tự thoả thuận bản quyền, để cuối cùng nhận cái kết đắng như vậy”
Trong năm qua, một sự kiện nổi bậc của Trung tâm được Tổng Giám đốc Đinh Trung Cẩn nhấn mạnh thêm: “Nổi bật là năm qua, Trung tâm đã thắng kiện vụ khởi kiện Công ty TNHH Multimedia Ngọc Việt, đơn vị tổ chức chương trình ca nhạc “Để nhớ một thời ta đã yêu 6 – Một thuở yêu người” tại Nhà hát Hoà Bình (TP.HCM), Toà án Nhân dân TP Hà Nội xét xử ngày 17/9/2020”. Năm 2020, Trung tâm còn thực hiện rút đơn kiện do bị đơn đã khắc phục một phần vi phạm trong 3 vụ khởi kiện khác liên quan đến bản quyền âm nhạc. Các vụ việc đang trong tiến trình tố tụng tổng số có 8 vụ”.
Vì tình trạng nhiều nền tảng trực tuyến đang có những điều khoản chỉ có lợi cho họ mà không chi trả bất cứ số tiền bản quyền nào cho nhạc sĩ nhưng tất cả đều được soạn thảo bằng tiếng Anh nên nhiều nhạc sĩ lơ mơ đã “nhắm mắt” ký đại, miễn sao tác phẩm được đưa lên nền tảng trực tuyến để công chúng nghe. Tuy nhiên, khi số lượt nghe đạt tới ngưỡng quy định của từng nền tảng, thì lẽ ra nhạc sĩ phải được hưởng số tiền bản quyền trả cho chất xám của người đã sáng tạo nên tác phẩm, thì nhiều nhạc sĩ lại buồn bã chấp nhận “tình cho không biếu không”, trong khi lợi nhuận chảy vào túi người kinh doanh trực tuyến.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, các nhạc sĩ cần tìm hiểu, nắm bắt quy định pháp luật để không phải “biếu không” công sức sáng tạo của mình. Cũng hoạt động sáng tác, nhưng những nhạc sĩ có kiến thức về bản quyền lại có thu nhập khủng còn nhiều nhạc sĩ lại “biếu không” tác phẩm của mình thì đó là điều rất đáng tiếc. Trung tâm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng cần có những hành động thiết thực hơn, tư vấn về vấn đề bản quyền sâu và rộng đến các nhạc sĩ, nghệ sĩ.