Công nghệ deepfake ngày càng tinh vi gây ra nhiều thách thức đối với an ninh mạng
Gần đây, thuật ngữ “deepfake” được đề cập tới nhiều, đặc biệt xung quanh việc phát tán ảnh khỏa thân giả của ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift trên X. Các chuyên gia từ Đại học RMIT thảo luận về tác động nguy hại của deepfake và đề xuất hướng giải quyết vấn nạn này.
Tiến sĩ Jonathan Crellin, Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT, lên tiếng: “Tội phạm mạng ngày nay sử dụng những công nghệ mới theo những cách không lường trước được.”
Deepfake là quá trình tạo ra hình ảnh hoặc video giả mạo được tạo ra bằng máy tính, kết hợp các yếu tố từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra những sản phẩm vô cùng chân thực. Deepfake dựa trên kỹ thuật máy học, cho phép thay đổi và tích hợp các yếu tố như khuôn mặt của một người vào hình ảnh hoặc video khác.
Một ví dụ rõ ràng về ứng dụng của deepfake là việc tạo ra những hình ảnh giả mạo xấu hổ của Taylor Swift bằng cách kết hợp nội dung khiêu dâm với hình ảnh của cô.
Để thực hiện điều này, kẻ xấu cần một số lượng hình ảnh đủ lớn để phần mềm có thể tìm hiểu về biểu đạt khuôn mặt của nữ ca sĩ, sau đó kết hợp chúng với nội dung khiêu dâm để tạo ra những hình ảnh tục tĩu, nhằm làm hại danh dự và uy tín của cô. Trên thực tế, có thông tin cho rằng những tấm ảnh này được phát tán qua một nhóm trên Telegram và được tạo ra bằng công cụ Microsoft Designer tích hợp hỗ trợ trí tuệ nhân tạo.
Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân, chỉ cần một bức ảnh, một đoạn video hoặc một bản ghi âm của họ. Việc giả mạo này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau và được sử dụng để tạo ra những tin tức sai lệch. Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến những tin giả như vậy ngập tràn khắp mọi nơi.
Hiện nay, các nhà lập pháp trên toàn thế giới đang nỗ lực tạo ra các quy định pháp lý để chống lại hình thức giả mạo này. Tại Hoa Kỳ, một số hướng tiếp cận đã được đề xuất, bao gồm cả việc sử dụng vụ kiện dân sự hoặc thiết lập các luật liên quan đến việc “phổ biến các hình ảnh khiêu dâm về một người do AI tạo ra mà không có sự đồng thuận của người đó.” Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã áp dụng các quy định mới để truy cứu trách nhiệm về hình ảnh được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Vương quốc Anh đã đưa ra các biện pháp pháp lý để xử lý việc chia sẻ nội dung khiêu dâm deepfake, coi đó là hành động vi phạm đạo luật an toàn trực tuyến.
Làm thế nào để phát hiện hoặc ngăn chặn điều này? Cách đầu tiên là giảm thiểu việc chia sẻ hình ảnh, video hoặc bản ghi âm trực tuyến. Đảm bảo rằng bạn chỉ chia sẻ chúng với những người bạn tin tưởng, thay vì đăng tải rộng rãi trên mạng. Một khi đã đăng tải nội dung lên internet thì hầu như không thể xóa bỏ.
Cách thứ hai là thiết lập một từ mật với gia đình để xác thực các cuộc gọi, giúp giảm thiểu nguy cơ rơi vào bẫy của cuộc gọi giả mạo. Hình ảnh, đặc biệt là video, có thể có những lỗi kỳ lạ (như dấu hiệu của việc chỉnh sửa), nếu bạn phát hiện ra những dấu hiệu đó thì có khả năng cao rằng hình ảnh hoặc âm thanh đó là giả mạo.
Một phương pháp khác mà có thể được áp dụng là tìm kiếm “hình ảnh đảo chiều” trên Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác để xác định nguồn gốc của hình ảnh.
Tuy nhiên, bài học quan trọng nhất là không nên tin tưởng mù quáng vào những gì bạn nhìn thấy vì máy ảnh (hoặc trí tuệ nhân tạo) cũng có thể nói dối!
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT, deepfake tạo ra mối đe dọa lớn đối với các nhân vật nổi tiếng và chính trị gia bởi thông tin tiêu cực về họ có thể xuất hiện một cách liên tục khiến công chúng có cái nhìn không thiện cảm với họ.
Với sự lan tràn của tin giả từ deepfake, đội ngũ truyền thông của các nhân vật nổi tiếng và chính trị gia cần phải theo dõi, phản ứng kịp thời với những tin đồn hoặc liên tục hiệu chỉnh thông tin không chính xác.
Nếu deepfake được sử dụng bài bản và kết hợp với các chiến lược PR đen tối thì nhiệm vụ này sẽ trở nên càng khó khăn hơn khi thông tin sai lệch được lan truyền rộng rãi và những tin tức tiêu cực thường có tỷ lệ chia sẻ cao hơn so với những tin tích cực.
Thường thì khi thấy tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người thường dựa vào các nguồn tin từ các cơ quan báo chí đáng tin cậy để xác minh thông tin. Tuy nhiên, Với nội dung tạo ra từ deepfake ngập tràn trên mạng xã hội, việc xác minh tính chính xác của tin tức từ các cơ quan báo chí chính thống trở nên khó khăn và đòi hỏi sự chuyên sâu trong nghiên cứu và kiểm chứng.
Chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả nhất vẫn là duy trì các kênh thông tin nhất quán, bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội phổ biến, website hoặc thông qua việc gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp, người nổi tiếng, chính trị gia với các bên liên quan như người hâm mộ, báo chí, cộng đồng và nhân viên.