Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thay đổi Olympic 2024 thế nào
Công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp thay đổi cách nghiên cứu, đào tạo vận động viên, đưa ra quyết định thay trọng tài hay phân tích dữ liệu thời gian thực.
“Chúng ta sẽ di chuyển tới địa điểm thi đấu của mình như thế nào? Làm thế nào để nhận quà từ nhà tài trợ? Trận đấu của chúng ta có được quản lý bởi trọng tài máy tính không?” Đó là một số câu hỏi mà các vận động viên tại Olympic 2024 đặt cho AthleteGPT, chatbot AI được thiết kế đặc biệt và truy cập thông qua ứng dụng Athlete365.
“Chatbot này có thể thu thập hàng nghìn trang thông tin rất nhanh và luôn sẵn sàng trả lời 24/7”, Todd Harple, người đứng đầu chương trình Đổi mới AI Olympic tại Intel Labs ở Hillsboro, Oregon (Mỹ), cho biết.
- Replika – một trong những ứng dụng tạo mối quan hệ ảo phổ biến nhất hiện nay
- Apple mong muốn tích hợp Al tạo sinh trên điện thoại di động
- Trung Quốc cho ra mắt hệ thống chatbot AI có tính năng tương tự ChatGPT
- Apple chính thức phát hành iOS 18.1 với tính năng ghi âm cuộc gọi trên iPhone
- Mỹ chuẩn bị quy định hạn chế đầu tư vào AI tại Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia
AthleteGPT được phát triển bởi công ty Mistral AI ở Paris sử dụng bộ xử lý Gaudi của Intel là một trong những minh chứng cho sự ảnh hưởng của công nghệ và AI tại Thế vận hội năm nay, theo Nature.
Trước đó vào tháng 4, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã họp bàn để đưa AI vào thể thao và lập chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo tại Thế vận hội. “Chúng ta phải là những người dẫn đầu sự thay đổi chứ không phải là đối tượng của sự thay đổi”, Thomas Bach, Chủ tịch IOC, chia sẻ.
Năm 1900, khi Paris lần đầu tiên đăng cai Olympic, nhà khoa học người Pháp Étienne-Jules Marey đã tiên phong trong việc sử dụng công nghệ để nghiên cứu vận động viên. Ông sử dụng ảnh chụp tốc độ cao để ghi lại động tác chạy nước rút và nhảy xa, từ đó phân tích cơ sinh học của cơ thể để khám phá bí mật về sự vượt trội của một số vận động viên. Bài viết của ông đăng năm 1901 đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận.
Ngày nay, con người đã tiến xa hơn với công nghệ quay video từ smartphone. Công nghệ theo dõi vận động viên 3D (3DAT) của Intel sử dụng AI để theo dõi 21 điểm trên cơ thể người, tạo ra các chuyển động vật lý chính xác và cung cấp “tất cả thông tin chi tiết về cơ sinh học mà huấn luyện viên tìm kiếm” ở các vận động viên ưu tú, theo Harple. Ông cho rằng những công nghệ như vậy không chỉ làm cho cuộc cạnh tranh trở nên gắt gao hơn mà còn dễ tạo ra các kỷ lục mới.
Ngoài việc phân tích, AI còn được sử dụng để nâng cao hiệu suất của các vận động viên, từ cá nhân hóa thiết kế giày, quần áo đến xác định chế độ dinh dưỡng và lịch trình tập luyện tối ưu.
Sự dễ dàng trong thu thập dữ liệu cá nhân, kết hợp với phân tích AI cũng giúp huấn luyện viên xác định tài năng mới nổi. Vào tháng 3, IOC đã thí điểm chương trình tuyển trạch sử dụng 3DAT để xác định hơn 40 trẻ ở Senegal có triển vọng trở thành vận động viên Olympic thông qua các bài tập đơn giản như chạy và nhảy.
Trọng tài môn bóng nước tại Olympic, Frank Ohme, không còn xa lạ gì với công nghệ AI. Công việc hàng ngày của ông là nhà vật lý thiên văn tại Viện Vật lý hấp dẫn Max Planck ở Hannover, Đức, liên quan đến việc săn tìm tín hiệu của các hố đen với sự trợ giúp của AI. Nhưng khi ông khoác lên mình bộ đồng phục trọng tài toàn màu trắng tại Paris, ông cần AI để không phải nhìn xuyên qua những sóng nước bắn tung tóe nhằm quyết định xem quả bóng đã vượt qua vạch vôi vào khung thành hay chưa.
Trong vài năm qua, AI đã có thể đưa ra các quyết định như vậy trong các môn thể thao nổi tiếng hơn, chẳng hạn như bóng đá. Hệ thống này sử dụng dữ liệu được ghi lại bởi hàng loạt camera xung quanh sân vận động và chip được cấy vào quả bóng. Việc áp dụng vào các môn khác như bóng nước diễn ra chậm hơn do yêu cầu phân tích dữ liệu theo thời gian thực và chi phí cao hơn. Ví dụ, với môn bóng nước, hệ thống phải đối mặt với những thách thức hoàn toàn khác so với bóng đá, như việc đào tạo thuật toán để “nhìn” được hình ảnh dưới nước và các tình huống hỗn loạn.
Tuy nhiên, AI chưa thể loại bỏ sự mơ hồ trong các hành động như phạm lỗi trong những môn thể thao đối kháng. Đây là những quyết định trong tích tắc và dễ gây tranh cãi. “Tôi thậm chí không biết làm thế nào để bắt đầu đưa những dữ liệu đó vào các con số”, Ohme nói và đùa rằng việc phát hiện ra các lỗ đen có lẽ là nhiệm vụ dễ dàng hơn so với việc đưa AI vào môn thể thao đối kháng.
Luồng dữ liệu được thu thập trong trận đấu không chỉ cung cấp cho các thuật toán AI mà còn cho cả người xem truyền hình đang chờ đợi các số liệu thống kê. “Thể thao có ngôn ngữ riêng, đó là các con số. Nó vượt qua các rào cản để mọi người có thể giao tiếp”, Patrick Lucey, nhà khoa học trưởng tại công ty công nghệ thể thao Stats Perform ở Chicago, Illinois, Mỹ cho biết và nói thêm rằng các số liệu thống kê sẽ giúp cung cấp thêm các chuẩn mực để so sánh.
Tại Olympic Sydney 2000, khán giả đã bị mê hoặc bởi khả năng hiển thị kép đường chạy kỷ lục ảo được chồng lên màn hình trực tiếp. Năm nay, các đài truyền hình còn cung cấp nhiều thông tin hơn như gia tốc, tốc độ tối đa và độ dài sải chân của vận động viên.
Điều khiến Harple phấn khích là viễn cảnh về những thông tin nổi bật được cá nhân hóa và cung cấp cho người xem qua nền tảng AI thị giác máy tính. Với rất nhiều hoạt động thể thao được ghi lại cùng lúc, ông cho biết khả năng của AI trong việc chọn chính xác những gì người xem muốn xem sẽ là một bước ngoặt. “Nếu ai đó muốn xem mọi cú ném ba điểm của đội bóng rổ nam Nigeria, AI có thể xem qua tất cả cảnh quay và tự động ghép chúng lại với nhau”, Harple hình dung.