Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện đang là bài toán khó cho các Bộ ban ngành, nhất là khi các hành vi vi phạm ngày càng diễn ra phổ biến. Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Hội đồng Anh vừa ra mắt dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam”, dự kiến triển khai từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021 với sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế vì đa dạng văn hóa của UNESCO (IFCD). Dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao hiểu biết về việc thực thi bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, tạo thêm động lực cho các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo… trước bối cảnh vi phạm về sở hữu trí tuệ diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.
Mục lục
Sử dụng “chùa” các tác phẩm thuộc sở hữu của người khác chẳng mấy xa lạ ở Việt Nam
Thời gian qua, không ít trường hợp vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Tình trạng đạo, nhái, rồi sử dụng “chùa” các tác phẩm thuộc sở hữu của người khác có vẻ chẳng mấy xa lạ, từ các tác phẩm nhiếp ảnh cho tới tác phẩm âm nhạc, hội họa…
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Vicas) và Hội đồng Anh cũng cho thấy, một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo chỉ bày tỏ quan điểm yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như nỗi bức xúc khi sự xâm phạm bản quyền diễn ra tràn lan. Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
- Giải Pháp Đột Phá Chuyển Đổi Bảng Biểu Từ Ảnh Sang Excel Với Tốc Độ 40 Khung Hình/ Giây
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
- Ứng dụng gọi xe tích hợp hơn 200 hãng taxi Việt Nam
- Sinh viên Việt Nam xuất sắc giành giải nhất với sáng kiến drone hỗ trợ cứu hộ trong thiên tai
- Con gái nhạc sĩ Phú Quang cảm thấy không hài lòng vì nhạc của bố bị vi phạm bản quyền
Vicas chỉ ra rằng, nền kinh tế sáng tạo là một xu hướng mới đang nổi lên tại Việt Nam, đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ về thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Bộ VH-TT&DL, 2016-2019). Những tiến bộ kinh tế vượt bậc cộng với thành phần dân số trẻ, năng động và có tiềm năng đã đem đến những cơ hội phát triển một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa. Tuy nhiên, các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã và đang gặp phải rất nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển của các ngành này. Bởi vậy, thực hiện dự án này, nhóm nghiên cứu muốn thay đổi từ cốt lõi vấn đề, nâng cao nhận thức của mỗi người về việc thực thi bản quyền.
Về những hành vi vi phạm, nghiên cứu chỉ ra một số nhận thức rằng, sự ràng buộc pháp luật trong vấn đề này còn mong manh và chưa đủ minh chứng để có thể truy tố. Đây có lẽ là nguyên nhân cốt lõi khiến cho vi phạm về bản quyền tác giả, tác phẩm cứ liên tục tái diễn. Dường như chưa có một vụ kiện về bản quyền nào được xử lý rốt ráo để thể hiện tính răn đe. Tâm lý trọng tình “thôi thì bỏ qua cho nhau” vẫn tồn tại nên có những trường hợp nghệ sĩ bị vi phạm bản quyền vừa mới bắt đầu các thủ tục khởi kiện đã lại rút đơn, vì các cá nhân, tổ chức vi phạm đã “hối lỗi” và có lời xin lỗi công khai.
Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam”
Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Quốc tế vì đa dạng văn hóa của UNESCO- trong khuôn khổ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO.
Dự án sẽ triển khai một loạt các hoạt động nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.
Dự án có 3 mục tiêu cụ thể, đó là: Đánh giá tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.
Hy vọng rằng Dự án sẽ sớm hoàn thành tốt nhất những mục tiêu đã đặt ra, đem lại hiệu quả mong đợi. Việc phát triển những Dự án như Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” là vô cùng cần thiết, cần được đầu tư và đẩy mạnh. Như vậy mới góp phần giảm thiểu được thực trạng sử dụng “chùa” tác phẩm của người khác ở nước ta hiện nay.