Dự luật bản quyền châu Âu được thông qua sau 3 năm tranh cãi
Châu Âu là nơi các quy định về bản quyền khá nghiêm ngặt và được tuân thủ khá tốt. Sau những tranh cãi quyết liệt, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật về bản quyền. Vào cuối tháng 4, văn bản này sẽ được trình lên 28 quốc gia EU phê duyệt và có hiệu lực từ năm 2021 trên toàn lãnh thổ châu Âu. Các nước thành viên sẽ có 24 tháng để sửa đổi luật trong nước cho phù hợp với quy định mới này.
Mục lục
Luật bản quyền châu Âu ra đời nhằm bảo vệ tốt hơn tác quyền và thu nhập của người sáng tác
Phải mất 3 năm với nhiều tranh cãi, luật trên mới được thông qua. Phần gây tranh cãi lớn nhất khi nó vẫn còn đang là dự luật là Điều 11 và Điều 13 (sau đổi thành Điều 17 trong bản cuối cùng được phê chuẩn). Theo đó, các công ty như Facebook, YouTube hay Google sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm soát mọi nội dung về khía cạnh bản quyền trước khi đưa lên nền tảng internet của mình. Bên cạnh đó, các blogger, các trang tổng hợp tin tức phải xin phép sử dụng bản quyền nếu muốn chia sẻ đường link và các đoạn trích dẫn thông tin lên trang cá nhân.
Một số ý kiến cho rằng luật mới gây hạn chế quyền tự do ngôn luận, cản trở sáng tạo khi buộc các trang phải cài đặt bộ lọc để kiểm soát nội dung trước khi đăng tải. Thậm chí, nghị sĩ châu Âu người Đức Julia Reda còn đưa ra lời bình luận khá nặng nề khi cho đây là “một ngày đen tối đối với tự do trên internet”. Hiện ngành công nghiệp sáng tạo trực tuyến đóng góp 915 tỷ euro, tương đương 6,8% giá trị nền kinh tế của EU, và tạo công ăn việc làm cho khoảng 12 triệu người.
- Luật pháp bảo vệ bản quyền trong thời gian chủ sở hữu tồn tại và 60 năm sau đó
- YouTube buộc phải trả thêm tiền cho các nhạc sĩ theo luật bản quyền được đề xuất của Liên minh Châu Âu
- Kiện Corellium vi phạm bản quyền, Apple thất bại
- Microsoft chính thức cáo buộc Google “chơi xấu”
- Kính AR Orion của Meta: Khám Phá Tương Lai Điện Tử
Có nhiều ý kiến khác lại đánh giá luật mới thực sự không đáng bị gây tranh cãi đến thế vì nó thực sự giúp các nhà sáng tạo và nhà báo được hưởng phần chia sẻ thu nhập công bằng từ YouTube, Facebook hay Google News. Thực tế, các trang tin trực tuyến miễn phí đang đe dọa nghiêm trọng doanh thu của các hãng truyền thông truyền thống. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Andrus Ansip, người ủng hộ nhiệt tình cho luật bản quyền nhận định, đây là “bước đi lớn” nhằm thống nhất thị trường kỹ thuật số ở EU mà vẫn bảo đảm được tính sáng tạo trên môi trường mạng.
Luật bản quyền mới có thể được coi là nỗ lực mới nhất của các nước châu Âu trong bảo vệ bản quyền
Dự luật bản quyền của EU đã trở thành đối tượng chỉ trích của các tập đoàn công nghệ lớn hay những nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số. Google từng kêu ca về việc họ tốn khoảng 100 triệu USD cho hệ thống lọc của Youtube. Dẫu vậy, luật bản quyền mới có thể được coi là nỗ lực mới nhất của các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống pháp lý, buộc các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải tuân thủ luật chơi công bằng trên lãnh địa của họ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực thi luật bản quyền không hề đơn giản. Tại Đức, Công ty Axel Springer, chủ sở hữu những tờ báo nổi tiếng như Die Welt và Bild, từng yêu cầu Google trả phí khi dẫn lại nội dung của họ. Tuy nhiên, Google đã phản ứng bằng việc không dẫn lại trích đoạn các bài báo của Axel Springer trong kết quả tìm kiếm của mình để không phải trả tiền bản quyền. Hãng này cũng chấm dứt dịch vụ cung cấp tin tức ở Tây Ban Nha với lý do tương tự.