Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trong thời đại công nghệ số
Hiện nay ở nước ta việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra tràn lan. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí mà còn nguy hại đến vấn đề an ninh mạng trên nền tảng xuyên biên giới. Các hệ thống các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta dường như vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trong thời đại công nghệ số.
Mục lục
Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí diễn ra tràn lan
Ngày 5/11 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “ Sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế; các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.”
Đại diện của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ông Đinh Đức Thọ -Tổng Thư ký tòa soạn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ bản quyền, cũng thông tin: “Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web có địa chỉ rõ ràng đến trang web không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn đường link. Trung bình trong 1 tháng, Tổ bảo vệ bản quyền Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh xử lý khoảng 70 -80 trường hợp vi phạm bản quyền để tổng hợp đề xuất các phương án xử lý theo quy trình, theo từng cấp độ như: gọi điện thông báo nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý…”
- Tuyển thủ Việt Nam xin lỗi người hâm mộ vì vi phạm bản quyền đội tuyển Việt Nam
- Vi phạm trầm trọng đối với nhạc “chế”
- Vấn nạn sao chép tác phẩm báo chí
- Vấn đề bản quyền trong bối cảnh hội nhập
- Ra mắt Trung tâm bản quyền số thuộc VDCA- một bước tiến mới trong việc bảo vệ bản quyền số trên môi trường mạng
Ông Thọ cũng cho biết, khó khăn nhất trong xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đến từ những trang web, tài khoản mạng xã hội “3 không”: “Không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.”
Cùng với đại diện Báo pháp luật, đại Trong diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Trung cho biết: “Cho đến nay, Báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn hơn 16 nghìn tác phẩm báo chí. Việc lấy lại các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như: dẫn lại, trích nguồn mà không xin phép…. Không chỉ Báo Tuổi trẻ, nhiều báo khác cũng phải đối mặt với tình trạng này như báo Thanh Niên (gần 10.000 lần), VnExpress (gần 9.000 lần)… Cùng với vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, còn có tình trạng vi phạm thương hiệu báo chí, Báo Tuổi trẻ đã đề nghị rút giấy phép 2 trang mạo danh báo Tuổi trẻ…Cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền.”
Giải pháp bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trong thời đại công nghệ số
Nhận định tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí đang diễn ra rất phổ biến, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: “Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các tờ báo, mà nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Lâm, các cơ quan báo chí chính thống sẽ không còn cơ hội tăng nguồn thu nếu việc vi phạm bản quyền tràn lan không được kiểm soát.”
Để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường liên kết giữa các cơ quan báo chí trong bảo vệ bản quyền.
Liên quan đến vấn đề này, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết “Điều quan trọng cần phải làm là các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền. Phải hiểu rõ thì mới có thể thực hiện đúng các quy định pháp luật và biết cách tự bảo vệ mình. Các cơ quan báo chí phải coi việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tăng cường các tuyến tin, bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí.”
Các cơ quan báo chí cần phải cam kết mạnh mẽ không vi phạm vấn đề bản quyền của nhau. Cùng với đó phải liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp mạng cung cấp dịch vụ để thực hiện đúng quy định pháp luật về vấn đề bản quyền trên cơ sở chia sẻ quyền lợi, phát huy các thế mạnh.
Trong thế giới kết nối như hiện nay, các coq quan báo chí cần nghiên cứu xem xét, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về xử lý bản quyền tác phẩm báo chí, tham khảo cách thức truy vết và bảo vệ bản quyền để có thể bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình…
Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền và tham gia chặt chẽ vào quá trình thực thi, góp ý sửa đổi các văn bản cũng là một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên sự thành công trong cuộc chiến chống “xâm phạm bản quyền”. Khi có hiện tượng vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý.
Chỉ khi ý thức tốt được việc xâm phạm bản quyền tác giả, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống hành vi xâm phạm bản quyền thì nền báo chí nước nhà mới thực sự có những bước tiến phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số, mới có thể cạnh tranh được với sự phát triển của thế giới thông tin toàn cầu.