Huawei chiếm lĩnh thị trường công nghệ thế giới
Sự xuất hiện của bộ ba Mate 60 5G khiến giới công nghệ kinh ngạc, cho thấy các lệnh cấm của Mỹ khó loại Huawei khỏi cuộc cạnh tranh trên thị trường.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, trong hai tuần đầu tiên của tháng 1, Huawei bán được nhiều smartphone hơn bất kỳ hãng nào và trở thành thương hiệu điện thoại số một tại Trung Quốc đầu năm. Đây là lần đầu họ lấy lại được ngôi vị này kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên công ty giữa 2019.
Trong khi đó, công ty dữ liệu IDC cho rằng năm 2023 chứng kiến sự trở lại đầy ấn tượng của Huawei khi vượt qua Xiaomi để chiếm vị trí trong top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại Trung Quốc quý IV/2023. Doanh số bán hàng của Huawei tăng 36,2% trong quý cuối năm trước, chiếm 13,9% thị phần.
- Huawei Mate 70 Ra Mắt Sẵn Sàng Tách Biệt Android
- Mỹ đang tìm cách để hạn chế Trung Quốc tiếp cận các mẫu chip hiện đại
- Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái chip nội địa
- Các doanh nghiệp ở Nga ghi nhận mức doanh thu khủng sau chiến sự với Ukraine
- Các hãng sản xuất xe điện tại Trung Quốc đua nhau giảm giá để kích cầu
Những thành tựu này chủ yếu là nhờ vào bộ ba sản phẩm Mate 60, được giới thiệu vào cuối tháng 8. Mặc dù công ty không tiết lộ chi tiết về chip xử lý nhưng các nguồn tin tin cậy cho biết rằng sản phẩm sử dụng chip Kirin 9000s được sản xuất trên công nghệ 7 nm tại SMIC và hỗ trợ công nghệ 5G.
Nikkei Asia dự đoán trong năm nay, Huawei sẽ tiếp tục thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ trên thị trường smartphone và thiết bị viễn thông toàn cầu. Các chuyên gia phân tích cho rằng hãng có thể đạt được mức sản lượng lên đến 100 triệu chiếc điện thoại. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn so với Apple và Samsung hay như chính Huawei năm 2019 với 240,6 triệu điện thoại xuất xưởng nhưng nó cho thấy một sự phục hồi mạnh mẽ so với mức 30,5 triệu chiếc năm 2022, đồng thời dự báo Huawei đang trên đà trở lại là top 5 thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới.
Hệ điều hành HarmonyOS sau khi bị hạn chế bởi Mỹ cũng đang hiện diện trên nhiều thiết bị, bao gồm điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay. Theo báo cáo của TechInsights, dự kiến HarmonyOS sẽ vượt qua iOS của Apple để trở thành hệ điều hành lớn thứ hai tại Trung Quốc trong năm nay. Huawei cũng đã đặt mục tiêu phát triển 5.000 ứng dụng gốc vào cuối năm 2024 và đạt 500 nghìn ứng dụng trong tương lai. Hiệp hội Internet của Trung Quốc đang khuyến khích các công ty cùng hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái HarmonyOS “vì một tương lai tươi sáng”.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị viễn thông của Huawei tiếp tục phát triển ổn định dưới áp lực từ Mỹ, với thị phần toàn cầu ước tính khoảng 30%, gần như không thay đổi so với năm 2019. Điều này chủ yếu nhờ vào vị trí dẫn đầu của hãng trong việc xây dựng mạng 5G rộng lớn tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Công ty đang tập trung mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực kinh doanh mới như điện toán đám mây, năng lượng xanh và ôtô thông minh. Vào cuối năm trước, Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, đã thông báo rằng công ty sẽ chuyển trọng tâm sang Trí tuệ Nhân tạo. “Trong bối cảnh Trí tuệ Nhân tạo ngày càng phát triển, Chiến lược All Intelligence của Huawei được thiết kế để giúp các ngành công nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội mới”, bà Chu chia sẻ.
Trong bài phát biểu được đăng trên trang web của công ty, ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, tuyên bố: “Chúng tôi đã vượt qua cơn bão. Bây giờ, chúng tôi đã trở lại đúng hướng và dự kiến kết thúc năm 2023 với doanh thu vượt qua mốc 700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 98,5 tỷ USD)”. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của công ty tăng 9% so với năm 2022 và trở lại mức ghi nhận lần cuối vào năm 2020, mặc dù vẫn còn kém xa con số 123 tỷ USD của năm 2019.
Ông Hu cung cấp một số ví dụ để minh họa sự phục hồi của Huawei sau khi bị Mỹ áp đặt lệnh cấm. Khi các cơn bão tàn phá Trung Quốc vào tháng 7/2023 gây thiệt hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng liên lạc ở nhiều địa điểm, Huawei đã cùng các nhà mạng cố gắng khôi phục lại mạng lưới trực tuyến. Tại Indonesia, nhóm kỹ sư của hãng đã triển khai mạng lưới thông tin dọc theo tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung chỉ trong vòng 120 ngày. Tại khu vực Mỹ Latinh, một khách hàng của Huawei bị quá tải mạng, yêu cầu mở rộng ngay lập tức trong vòng 26 ngày và hãng đã “biến điều không thể thành có thể”.
Đến năm 2024, ông Hu đã chia sẻ rằng việc thiết bị sẽ là một trong những mảng kinh doanh chính được tập trung mở rộng. Tuy nhiên, hãng cũng thừa nhận sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. “Biến động kinh tế và chính trị, các rào cản về công nghệ và thương mại cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu”, ông dự báo.
Ngoài ra, ông Ken Hu nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ từ bỏ trước áp lực và không cho phép những lời khen ngợi làm chúng tôi mất tinh thần. Mặc cho con đường phía trước có gập ghềnh thế nào, lịch sử sẽ luôn ưu ái những người có niềm tin vững vàng”.