Khi Quốc ca chính thức là tài sản trí tuệ
Sự kiện tiếng của giai điệu Quốc ca Việt Nam bị chủ động tắt khi đang được phát trên kênh YouTube trong phần nghi thức đầu trận đấu bóng đá giữa hai đội tuyển quốc gia Việt Nam và Lào khiến người dân bức xúc, đồng thời cũng ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế?
Tài sản trí tuệ (TSTT) là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo, ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một loại của tài sản vô hình, không xác định được bởi đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận.
Tài sản trí tuệ bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế; giống cây trồng mới, phầm mềm máy tính…
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đã chính thức lên tiếng yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Về mặt lý thuyết, người nào có hành vi như thế phải bị xử lý chế tài theo quy định của pháp luật. Nhưng thật ra, câu chuyện không đơn giản.
Cách nay ít lâu, một doanh nghiệp đã lên tiếng xác nhận quyền sở hữu đối với bản ghi âm giai điệu Quốc ca.
Theo pháp luật sở hữu trí tuệ, bản ghi âm tác phẩm âm nhạc được hiểu là công trình phối âm phối khí thể hiện giai điệu của tác phẩm, là đối tượng sở hữu trí tuệ phân biệt với quyền sở hữu tác phẩm gốc. Một khi được tạo ra một cách hợp lệ, bản ghi âm được bảo hộ độc lập với quyền tác giả đối với tác phẩm gốc.
Nếu đúng là bản ghi âm được phát trong trận đấu bóng đá hôm đó là bản ghi âm mà doanh nghiệp xác nhận có quyền sở hữu thì vấn đề pháp lý đặt ra không phải có hay không có hành vi ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Vấn đề là liệu việc một chủ thể nào đó hòa âm phối khí thể hiện giai điệu Quốc ca có tạo ra được quyền liên quan một cách hợp lệ và được bảo hộ theo pháp luật hiện hành?
Được biết, bài Quốc ca đã được gia đình tác giả hiến tặng cho Nhà nước, nghĩa là tác phẩm âm nhạc này đã là tài sản công. Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 là khung pháp lý điều chỉnh ứng xử của chủ thể liên quan đến tất cả các loại công sản.
Tuy nhiên, các quy định của luật rất chung chung, có thiên hướng chủ yếu chi phối các tài sản hữu hình phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công như nhà đất, trang thiết bị… và tiền bạc, chứ không quan tâm nhiều đến các loại tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ.
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, về phần mình, có nhắc đến Nhà nước trong các chủ sở hữu quyền tác giả được thừa nhận và giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, nghị định Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ cũng chỉ có những quy định ngắn gọn và tổng quát về sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước; không có bất kỳ quy định nào áp dụng riêng cho tác phẩm đặc biệt thuộc sở hữu nhà nước như Quốc ca.
Rất nhiều câu hỏi thiết thực không có lời đáp: tư nhân có quyền tự mình tạo bản hòa âm phối khí thể hiện giai điệu Quốc ca để sử dụng trong những sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao chính thức? Tư nhân có quyền khai thác thương mại đối với bản hòa âm phối khí thể hiện giai điệu Quốc ca do mình tạo ra?…
Sự cố tắt tiếng giai điệu Quốc ca trên kênh YouTube vừa qua cho thấy khung pháp lý liên quan đến những loại tài sản trí tuệ đặc biệt thuộc công sản, trong đó có Quốc ca, đang có những khiếm khuyết. Cần nghiêm túc rà soát và có biện pháp thích hợp để sửa chữa những khiếm khuyết ấy, tránh những chuyện tương tự đáng tiếc có thể xảy ra sau này.