Phương thức bảo vệ bản quyền phần mềm theo quy định pháp luật
Bảo vệ bản quyền phần mềm vấn đề nan giải của các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu phần mềm khi khai thác, sử dụng đối tượng này trên thị trường. Để áp dụng chính xác và phù hợp nhất các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền tác giả cho đối tượng phần mềm, bạn cần nắm rõ được pháp luật hiện hành quy định như thế nào về các vấn đề này.
Mục lục
Phương thức tự bảo hộ bản quyền phần mềm
Bản quyền phần mềm được xác lập quyền ngay tại thời điểm kỹ sư phần mềm sáng tạo hoàn chỉnh đối tượng này. Vì vậy, khi sử dụng và khai thác phẩn mềm, chủ sở hữu, tác giả của phần mềm có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ bản quyền của mình theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Các biện pháp hành chính xử phạt vi phạm bản quyền phần mềm
Đối với các hành vi xâm phạm bản quyền tác giả có thể bị xử lý hành chính phạt cảnh cáo, phạt tiền và một số biện pháp khắc phục hậu quả đi kèm tùy vào tính chất, mức độ xâm hại mà hành vi này gây ra. Ví dụ, với hành vi sao chép trái phép phần mềm có thể bị xử lý phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng, đồng thời buộc bên vi phạm phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Ngoài ra, với trường hợp vận chuyển, tàng trữ các bản sao chép lậu cũng bị xử phạt theo Điều 8 Nghị định 131/2013/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Xử lý dân sự và xử lý hình sự đối với xâm phạm bản quyền phần mềm
Ngoài biện pháp xử lý hành chính, pháp luật còn hỗ trợ bảo hộ bản quyền phần mềm thông qua những biện pháp dân sự và thậm chí là biện pháp hình sự. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Biện pháp dân sự bảo vệ quyền tác giả phần mềm
Những biện pháp dân sự mà Tòa án có thể áp dụng để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả bao gồm:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp hình sự bảo vệ quyền tác giả phần mềm
Trường hợp hành vi xâm hại của cá nhân, tổ chức có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoàn chỉnh, các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành.
Trên đây là một số thông tin bảo vệ bản quyền phần mềm để bạn đọc có góc nhìn bao quát hơn các phương thức tiến hành bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này. Bạn có thể tham khảo chi tiết từng cách bảo hộ bản quyền thông qua những bài viết khác trên trang https://banquyenquocte.com.