Những điều cần biết về luật bản quyền và sở hữu trí tuệ
Luật bản quyền và sở hữu trí tuệ đều dùng để chỉ những quy định pháp lý hiện hành đối với việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho những đối tượng phù hợp. Cần hiểu rõ, bản quyền là một trong những quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ, ngoài bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ còn bao gồm nhiều loại khác nhau.
Mục lục
Quyền Sở hữu trí tuệ là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể, theo định nghĩa tại các khoản 2 đến khoản 5 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
- Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Thông thường, mọi người hay nhầm lẫn sử dụng chung giữa luật bản quyền và sở hữu trí tuệ. Trên thực tế quy định pháp luật, cần phân biệt rõ ràng giữ những loại quyền này có thể bảo hộ quyền của mình đúng nhất.
- Sở hữu trí tuệ và Doanh nghiệp: Sức mạnh tổng hợp của Thương hiệu và Tiếp thị
- Các nội dung được bảo hộ theo luật bản quyền là gì?
- Đạo nhái ý tưởng kinh doanh liệu có mang lại hiệu quả?
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
- Ứng dụng gọi xe tích hợp hơn 200 hãng taxi Việt Nam
Bản quyền được hiểu như thế nào?
Bản quyền thực tế là quyền tác giả, hai thuật ngữ này được sử dụng song song và có nội dung giống nhau. Luật bản quyền và sở hữu trí tuệ được hiểu là những quy định pháp lý đối với quyền tác giả. Theo đó, quyền tác giả bao gồm:
Quyền nhân nhân
Quyền nhân thân của quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”
Những quyền này được gắn liền với tác giả, và hầu như không thể chuyển giao. Pháp luật bảo hộ quyền nhân thân vô thời hạn, trừ quyền “công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”.
Quyền tài sản
Quyền tài sản của quyền tác giả cũng được liệt kê chi tiết tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.”
Căn cứ xác lập của từng loại quyền sở hữu trí tuệ.
Mỗi loại quyền sở hữu trí tuệ đều được pháp luật quy định về phương thức và căn cứ xác lập quyền khác nhau. Theo quy định hướng dẫn tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.”
Để tìm hiểu chi tiết hơn về luật bản quyền và sở hữu trí tuệ cho từng loại đối tượng bảo hộ, bạn có thể tham khảo ngay tại các bài viết khác của chúng tôi trên trang https://banquyenquocte.com.