Trong tranh chấp quyền tác giả, cần có biện pháp Bảo vệ người thứ ba ngay tình
Từ những vụ tranh chấp gần đây, nhất là trong lĩnh vực phim ảnh, có thể thấy tồn tại những lỗ hổng trong quy định pháp luật, cơ quan xét xử không giải quyết hợp tình hợp lý sẽ dẫn đến sự rối loạn thị trường tác quyền.
Mục lục
Pháp luật bảo hộ tự động quyền tác giả
Năm 2019, một Công ty sản xuất phim liên hệ với một ca – nhạc sĩ để xin phép sử dụng ca khúc do người này sáng tác (nhạc sĩ) trong bộ phim do Công ty sản xuất và sắp công chiếu. Hai bên đã tiến hành ký kết hợp đồng về việc Công ty được quyền sử dụng ca khúc và phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Nhạc sĩ đã cung cấp cho Công ty giấy chứng nhận do Cục Bản quyền tác giả cấp ghi nhận ông là tác giả duy nhất của ca khúc. Sau khi bộ phim được công chiếu, Công ty sản xuất phim nhận được thông báo bị khởi kiện cho rằng ca từ của ca khúc nêu trên được lấy từ bài thơ do người khởi kiện sáng tác (nhà thơ) và đăng tải trên mạng xã hội từ năm 2014.
Nhà thơ cho rằng, nhạc sĩ không xin phép sử dụng nội dung bài thơ để dùng làm ca từ của ca khúc nên đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả, việc Công ty sử dụng ca khúc (có phần lời là nội dung bài thơ) trong bộ phim được công chiếu vì thế cũng là hành vi xâm phạm quyền tác giả và yêu cầu nêu tên nhà thơ là tác giả của bài thơ trong bộ phim sử dụng ca khúc. Đồng thời, bồi thường thiệt hại cho nhà thơ số tiền 4 tỷ đồng (sau đó yêu cầu này được hạ xuống còn 825 triệu đồng).
- Tác quyền ca khúc mang lại cho nhạc sĩ nguồn thu lớn
- Câu thơ Việt Nam “Uống nhầm một ánh mắt cơn say theo nửa đời” thành tên truyện ngôn tình Trung Quốc
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
- Ứng dụng gọi xe tích hợp hơn 200 hãng taxi Việt Nam
- Sinh viên Việt Nam xuất sắc giành giải nhất với sáng kiến drone hỗ trợ cứu hộ trong thiên tai
Về phía mình, nhạc sĩ tố ngược lại rằng nhà thơ mới là người xâm phạm quyền tác giả vì ca khúc đã được nhạc sĩ sáng tác từ năm 2013. Đồng thời, nhạc sĩ cho rằng, bản thân ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, trong khi nhà thơ không xuất trình được bằng chứng hợp pháp về bản quyền đối với bài thơ của mình.
Công ty sản xuất phim phản đối vụ kiện, cho rằng đã ký hợp đồng sử dụng ca khúc với nhạc sĩ nên không có trách nhiệm phải bồi thường cho nhà thơ. Vụ án hiện vẫn đang được Tòa án giải quyết và chưa có phán quyết cuối cùng.
Pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật không đặt ra yêu cầu tác phẩm phải được đăng ký thì tác giả mới được bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm “tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” (khoản 1, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ). Điều này nghĩa là quyền tác giả được phát sinh và bảo hộ một cách tự động mà không cần phải đăng ký với Cục Bản quyền. Người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả sẽ được xác định là tác giả của tác phẩm, cho đến khi có các chứng cứ khác chứng minh tác phẩm do người khác sáng tác.
Trong tranh chấp nêu trên, nếu không ai đưa ra được chứng cứ có tính hợp pháp, thuyết phục về thời điểm sáng tác, thì Tòa án sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền tác giả để xác định nhạc sĩ là tác giả của phần lời ca khúc mà các bên đang tranh chấp. Tòa án sẽ xác định người chứng minh được thời điểm sáng tác phần lời ca khúc sớm nhất là tác giả nội dung này.
Pháp lý trong xác định quyền, trách nhiệm của người thứ ba ngay tình và biện pháp khắc phục
Dù tác phẩm chưa được đăng ký, nhưng người sử dụng buộc phải biết rằng tác phẩm này đã được sáng tác bởi một ai đó, vì nếu không có người sáng tác thì tác phẩm không tồn tại. Do đó, người tự ý sử dụng tác phẩm chưa đăng ký vẫn phải bị xem là có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường do có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Tuy nhiên, một tình tiết quan trọng trong tranh chấp nêu trên là việc Công ty sản xuất phim đã ký hợp đồng sử dụng ca khúc với nhạc sĩ, là người được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với ca khúc (có phần lời bị tranh chấp quyền tác giả). Từ đó cần đặt ra vấn đề Giả sử Tòa án xác định người được cấp giấy chứng nhận không phải là tác giả của tác phẩm, vậy liệu người sử dụng tác phẩm có phải bồi thường cho tác giả thật sự, khi mà trước đó người sử dụng đã được người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho phép sử dụng tác phẩm?
Có thể thấy, người sử dụng tác phẩm trong trường hợp này có lý do hợp lý để tin rằng việc sử dụng tác phẩm của mình là hợp pháp, khi mà họ đã có thỏa thuận về việc sử dụng tác phẩm với người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Do đó, người sử dụng cần phải được xác định là người thứ ba ngay tình và không có lỗi trong việc sử dụng tác phẩm dù họ không xin phép tác giả thật sự của tác phẩm.
Lỗ hổng là Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự hiện hành đều không quy định yếu tố lỗi là căn cứ bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng tác phẩm vẫn có thể bị quy buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường cho tác giả ngay cả khi không có lỗi.
Pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định quyền tác giả được phát sinh tự động và được bảo vệ khỏi việc sử dụng trái phép, mà không có quy định loại trừ trách nhiệm trong tình huống nêu trên. Do đó, tác giả thật sự của tác phẩm có thể cho rằng, người sử dụng không thể hoàn toàn tin tưởng vào giấy chứng nhận mà phải nghi ngờ rằng người được cấp giấy chứng nhận có thể không phải là tác giả thật sự, và việc thỏa thuận sử dụng tác phẩm với người không phải là tác giả thì không có giá trị.
Cần xem xét một thực tế rằng Nhà nước đã không cung cấp (và cũng không thể cung cấp) cho người dân bất kỳ cơ chế nào để có thể xác định ai là người có quyền tác giả đối với một tác phẩm. Do đó, việc đòi hỏi người sử dụng phải xác định đúng người có quyền tác giả gần như là một yêu cầu không tưởng. Nếu Nhà nước đã không (thể) tạo cơ chế để người sử dụng xác định quyền tác giả đối với tác phẩm, thì việc quy buộc trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng là hoàn toàn không hợp lý và chắc chắn sẽ tạo ra sự rối loạn cho thị trường tác quyền. Hệ quả là, người có nhu cầu sử dụng tác phẩm sẽ dè dặt hơn trong các giao dịch tác quyền, chi phí cho giao dịch cũng tăng cao hơn để phục vụ cho các cơ chế xác minh và bảo đảm quyền tác giả. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính các bên có quyền tác giả.
Cơ chế cho phép người sử dụng khởi kiện yêu cầu người đăng ký quyền tác giả trái phép phải bồi thường lại sau khi người sử dụng đã bồi thường cho tác giả hoàn toàn không thể giải quyết sự rối loạn trên, vì không có gì bảo đảm những người bị kiện có đủ năng lực tài chính để bồi thường lại cho người sử dụng.
Nhà nước cần xây dựng hoặc thúc đẩy xã hội hóa để cho ra đời những cơ chế hiệu quả hơn trong việc đăng ký và tra cứu quyền tác giả nhằm tạo sự ổn định, phát triển cho thị trường tác quyền. Cần có những quy định pháp luật xác định người sử dụng tác phẩm trên cơ sở thỏa thuận với người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả là người thứ ba ngay tình và phải loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ trong trường hợp người được cấp giấy chứng nhận không phải là tác giả thật sự của tác phẩm. Đồng thời cũng cần làm rõ nếu người sử dụng biết người được cấp giấy chứng nhận không phải là tác giả nhưng vẫn cố tình xác lập thỏa thuận sử dụng tác phẩm với người này, thì người sử dụng không được xác định là ngay tình và vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho tác giả.