Bảo vệ bản quyền âm nhạc trên nền tảng số vẫn còn là điều khó khăn
Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra khiến nhiều nhạc sĩ bức xúc là bị cảnh báo vi phạm bản quyền trên chính tác phẩm do mình sáng tác ở các nền tảng số. Vậy nguồn cơn của vấn đề này là do đâu, thực trạng đang như thế nào?
Mục lục
Biến ảnh trên mạng thành tranh có vi phạm bản quyền?
Là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Việt Nam gấm hoa, Trường ca người Việt nhưng mỗi khi đăng tải sản phẩm lên nền tảng số, nhạc sĩ Minh Châu lại bị cảnh báo vi phạm bản quyền. Trong số hơn 300 video được nhạc sĩ này đăng tải, có đến vài chục video gặp phải tình trạng bị cảnh báo. Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Minh Châu còn là người thực hiện các bản ghi âm, đầu tư thực hiện các MV và có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ nhưng vẫn không thể đối chất để giải quyết dứt điểm.
“Họ thừa biết rằng Minh Châu không đời nào có đủ thời gian và tiền bạc để đi hầu tòa 330 lần với 330 bài hát như. Và họ cũng thừa biết người ta ngại chuyện tranh chấp trước tòa án nên cứ đi nhận bừa nhận vơ như vậy”, nhạc sĩ Minh Châu cho biết.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng phải sang tận Singapore để làm các thủ tục chứng minh ca khúc Vầng trăng khóc là của mình, sau khi có nhiều phiên bản ngôn ngữ khác xuất hiện trên các nền tảng số. Dù sẵn sàng làm tất cả để chứng minh ca khúc là của mình nhưng hết lần này đến lần khác bị cảnh báo vi phạm bản quyền khiến những tác giả như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung dần cẩn trọng hơn.
“Khi Chung nhận ra được sự bất cập, những sự không rõ ràng, Chung đã ít đi suy nghĩ bán bài hát cho ca sĩ, thay vào đó mình tự sản xuất luôn, tự đầu tư vào sản phẩm. Khi tự đầu tư vào sản phẩm, mình dễ chứng minh được tôi là người có trọn vẹn quyền với tác phẩm đó”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và việc bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của các nghệ sĩ hội viên
Là nơi đang hợp tác với gần 100 nghệ sĩ, nhận ký gửi, bảo vệ hơn 1000 bản ghi âm sáng tác của các hội viên, nhưng trong vài năm trở lại đây với sự phát triển bùng nổ của các nền tảng số, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam cũng chưa thể bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của các nghệ sĩ hội viên.
Bà Phan Mộng Thúy – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam – chia sẻ về vấn đề này: “Khó khăn đó không chỉ của riêng Hiệp hội, của cá nhân hay pháp nhân nào đang kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số mà là khó khăn chung. Tất cả mọi người đều có quyền đăng tải lên, đều có quyền báo cáo, trình báo lẫn nhau. Do đó, đối với những người có ý đồ xấu, họ có thể lợi dụng khe hỡ để người ta sử dụng vào những mục đích không đúng”.
Các nền tảng số bên cạnh ưu thế giúp âm nhạc của nghệ sĩ lan tỏa rộng rãi đến với nhiều đối tượng khán giả, còn đặt ra thử thách lớn về tôn trọng bản quyền. Theo dự tính, trong thời gian tới Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sẽ phối hợp cùng nhau để cùng giải quyết từng trường hợp tác giả bị cảnh báo vi phạm bản quyền ngay trên chính tác phẩm của mình.
Nguồn:
https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/gian-nan-bao-ve-ban-quyen-am-nhac-tren-nen-tang-so-20201123155834306.htm