Đang tải

Bỏ bản quyền vắc xin COVID-19: Việt Nam có cơ hội lớn

Trong khi chờ quyết định có hay không bỏ bản quyền vắc xin COVID-19, theo ông Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), nếu được, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.

Lý giải điều này, ông Quang cho biết Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vắc xin. Ông Quang cũng chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ một số vấn đề hiện đang được rất nhiều người quan tâm quanh câu chuyện vắcxin.

Sức khỏe cộng đồng là trên hết

Cơ hội lớn của Việt Nam khi bỏ bản quyền vắc xin.
Cơ hội lớn của Việt Nam khi bỏ bản quyền vắc xin.

Là quốc gia cũng đang chạy đua sản xuất vắc xin, ông đánh giá thế nào trước thông tin nhiều quốc gia, đặc biệt Mỹ vừa tuyên bố ủng hộ tạm thời bỏ bản quyền (quyền sở hữu trí tuệ cho công nghệ sản xuất) vắc xin COVID-19, thưa ông?

  • Đây là đề xuất vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vắc xin cho tất cả các quốc gia, tránh tình trạng nước giàu tiếp cận được, còn nước nghèo thì không.

Đối với một số loại thuốc thông thường, việc bãi bỏ bản quyền có thể giúp các nước dễ dàng sản xuất. Nhưng với vắc xin lại đòi hỏi một quy trình, công nghệ, năng lực sản xuất đặc biệt không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng.

Nhưng với Việt Nam, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội chứ?

  • Đúng thế. Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có một hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vắc xin, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận. Nếu được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vắc xin COVID-19 một cách cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất vắc xin; có cơ hội lớn trong chủ động nguồn vắc xin cho chính mình và chia sẻ cho các quốc gia khác.

Mới đây Bộ Y tế đã họp với đại diện WHO để nhận chuyển giao công nghệ mRNA (công nghệ mà Moderna; Pfizer/BioNTech dùng bào chế vắc xin COVID-19). Đây là công nghệ được giới khoa học đánh giá không chỉ giúp nhân loại ứng phó với COVID-19 và các đại dịch về sau mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và các bệnh truyền nhiễm khác…

Có nhiều ý kiến cho rằng bản quyền vắc xin COVID-19 bãi bỏ có thể “đụng chạm” đến lợi ích của nhiều công ty dược, của nhiều quốc gia…

  • Một loại vắc xin hoặc loại thuốc sản xuất với mục đích thương mại mới ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, trực tiếp là các công ty dược. Còn trong tình huống đại dịch khẩn cấp như hiện nay, phải khẳng định mục đích thương mại của vắc xin ngừa COVID-19 không phải là yếu tố cuối cùng, có nghĩa mục tiêu cao nhất của vắc xin là vì cộng đồng.

Với tính chất đại dịch, và trong một tình huống khẩn cấp như hiện nay, tôi cho rằng sản xuất vắc xin không còn là chuyện riêng của một doanh nghiệp, một quốc gia nào cả. Đây là vấn đề nhân đạo, về sức khỏe con người và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ cho sức khỏe toàn cộng đồng.

Ngoài sở hữu bản quyền sản xuất vắc xin, còn có bộ xét nghiệm hoặc thuốc điều trị COVID-19 đang được một số nước “ôm chặt”…

  • Quan điểm của cá nhân tôi trong những trường hợp đại dịch như COVID-19 thì những tổ chức cao nhất về y tế như WHO hoặc Liên Hiệp Quốc phải có chính sách bãi bỏ toàn bộ những cái độc quyền. Bởi trong đại dịch vắc xin hay xét nghiệm hoặc thuốc điều trị được sản xuất không được đưa yếu tố thương mại lên hàng đầu, mà tất cả đều vì mục đích phục vụ cộng đồng.

Việt Nam rút ngắn chu trình sản xuất vắc xin

Trở lại tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, ông có thể chia sẻ tính khả quan của các loại vắc xin nội như thế nào?

Trong 3 đơn vị sản xuất vắc xin hiện nay (gồm Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen với Nanocovax, Viện Vắcxin và sinh phẩm Nha Trang với Covivac; vắc xin của Vabiotech – Công ty TNHH một thành viên Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế) thì cơ bản vắc xin của Nanogen là 1 trong 3 vắcxin ngừa COVID-19 nội địa mang tính khả thi cao nhất.

Dự kiến trong vài ngày nữa, Bộ Y tế sẽ làm nghiệm thu giai đoạn 2 và triển khai sớm giai đoạn 3. Và trong giai đoạn 3 vắc xin của Nanogen có thể sẽ được cấp phép sớm sử dụng cho người dân.

Liệu chúng ta có thể rút ngắn thời gian sản xuất vắc xin được nữa không, khi mà dịch COVID-19 đang có dấu hiệu ngày một căng thẳng, thưa ông?

  • Quan điểm của Bộ Y tế là có thể rút ngắn. Và trên thực tế chưa đầy một năm, việc sản xuất vắc xin ở Việt Nam đạt được kết quả rất khả quan ngoài mong đợi. Tuy nhiên, hiện nay việc rút ngắn chu trình sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thử nghiệm đầu giai đoạn 3. Còn nói rút ngắn ngay từ bây giờ thì hoàn toàn không được.

Với một người dân Việt Nam được tiêm vắc xin nội, cụ thể là của Nanogen chẳng hạn thì việc mang “hộ chiếu vắc xin” xuất ngoại liệu có được các nước công nhận?

  • “Hộ chiếu vắc xin” là một vấn đề toàn cầu, chúng ta còn phải bàn và thống nhất với các quốc gia, chứ không chỉ một quốc gia nào có thể quyết định được điều này. Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ “hộ chiếu vắc xin” với điều kiện tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin phải đạt một ngưỡng nhất định mới đảm bảo.

Ví dụ ở Mỹ, tỉ lệ người tiêm vắc xin đạt 50 – 60%, do đó việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin”có giá trị về mặt dịch tễ. Nhưng ở các quốc gia tỉ lệ tiêm vắc xin thấp hoặc không tiêm thì “hộ chiếu vắc xin” không có giá trị nhiều.

Chia sẻ: