Các quy định quản lý ngoại thương trong kinh doanh quốc tế
Quá trình hội nhập kinh doanh quốc tế đòi hỏi các nhà làm luật cần phát triển, nghiên cứu và ban hành những quy định pháp lý phù hợp nhằm điều chỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh này. Để có góc nhìn bao quát hơn đối với các quy định điều chỉnh hoạt động ngoại thương, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Hoạt động ngoại thương trong kinh doanh quốc tế
Hoạt động ngoại thương được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý Ngoại thương 2017 là: “hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Một số đặc điểm trong quản lý hoạt động kinh doanh quốc tế
Đặc điểm chủ chốt nhất trong hoạt động kinh doanh quốc tế về ngoại thương chính là quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân. Quyền này được hướng dẫn tại Điều 5 Luật Quản lý Ngoại thương 2017 với các nội dung quy định về:
- Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
- Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Cụ thể hơn, quyền này được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
“1. Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Phòng vệ thương mại trong kinh doanh quốc tế
Phòng vệ thương mại trong kinh doanh quốc tế nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh ngoại thương không làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh thương mại trong nước. Những biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm:
- Biện pháp chống bán phá giá
- Biện pháp chống trợ cấp
- Biện pháp tự vệ
Những biện pháp phòng vệ thương mại này chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ cần trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Trên đây là một số nội dung pháp lý kinh doanh quốc tế cơ bản mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc trong hoạt động ngoại thương. Để tìm hiểu thêm về các vấn đề pháp lý liên quan, bạn có thể tìm đọc những bài viết khác trên trang https://banquyenquocte.com.