Chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh không phải điều dễ dàng
Phim Việt được chuyển thể từ các tác phẩm văn học không còn là điều xa lạ với công chúng. Tuy nhiên không phải tất cả phim thành công với điều này. Sau phim “Cậu Vàng” mới đây, bộ phim “Kiều @” bị đánh giá rất kém. Nếu phim Cậu Vàng bị khán giả thờ ơ do kém sức thuyết phục thì phim Kiều là yếu từ kịch bản đến cách kể chuyện. Qua đó có thể thấy từ một tác phẩm văn học nổi tiếng chuyển thể thành phim là một thách thức không nhỏ đối với các nhà làm phim.
Mục lục
Những điểm thuận lợi khi làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học
Nền văn học Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, những đại thi hào, nhà văn nhà thơ kiệt xuất đã tạo ra những tác phẩm để đời. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, điện ảnh Việt có rất nhiều phim hay mà điểm xuất phát là từ tác phẩm văn học đã tạo được những dấu ấn hết sức sâu đậm trong khán giả như: “Mê Thảo – thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân), “Bến không chồng” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Dương Hướng), “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài), “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thi), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), …
Số lượng các phim điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng nhiều và đa dạng hơn. Các phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn ăn khách chuyên viết cho tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh, như “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc” có doanh thu “khủng” càng cho thấy văn học là nguồn chất liệu quý giá đối với điện ảnh…
- Thời gian đăng ký bản quyền cho tác phẩm văn học
- Giải Pháp Đột Phá Chuyển Đổi Bảng Biểu Từ Ảnh Sang Excel Với Tốc Độ 40 Khung Hình/ Giây
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
- Ứng dụng gọi xe tích hợp hơn 200 hãng taxi Việt Nam
- Sinh viên Việt Nam xuất sắc giành giải nhất với sáng kiến drone hỗ trợ cứu hộ trong thiên tai
Không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem văn học như một “mảnh đất màu mỡ”. Nhiều thập kỷ qua, “mắt xanh” của người làm điện ảnh khắp thế giới không ngừng tìm kiếm những câu chuyện thú vị, những số phận con người gây xúc động từ các tác phẩm văn học đã thành công, có sức lan tỏa với bạn đọc trước đó để tìm đến với khán giả dưới một hình thức nghệ thuật mới.
Có nhiều lý do để các nhà sản xuất, đạo diễn phim quyết định chuyển thể, đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh. Trước hết là sự hấp dẫn của câu chuyện được kể trong tác phẩm. Làm một bộ phim vẫn là kể một câu chuyện bằng hình ảnh sao cho cuốn hút, vai trò của cốt truyện luôn là số một. Có câu chuyện hay, tức là có một chất liệu tốt ban đầu, như cái khung của ngôi nhà, đạo diễn nhờ vậy sẽ dễ dàng hơn trong hành trình xây dựng nên ngôi nhà đó.
Nếu tác phẩm điện ảnh làm tốt và biết cách khai thác hiệu quả cùng với sự cộng hưởng của độc giả trước đó sẽ dễ mang lại những thành công nhiều khi ngoài cả dự đoán của nhà sản xuất. Một tác phẩm văn học hay thường chứa đựng những yếu tố hấp dẫn tiềm tàng về tình huống, tâm lý nhân vật,… sẽ là mảnh đất màu mỡ tạo cơ hội để đạo diễn khám phá, khai thác, sáng tạo.
Việc khai thác loại hình này như thế nào để vừa đạt hiệu quả mong muốn, vừa góp phần làm phong phú điện ảnh lại là một thách thức với nhà sản xuất phim, biên kịch và đạo diễn cũng là một bài toán không dễ dàng.
Vừa phải tôn trọng tác phẩm văn học, vừa phải tìm cách vượt lên để mang đến những cảm xúc mới cho người xem
Sự thành công của tác phẩm văn học không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công của tác phẩm điện ảnh. Đó cũng chính là áp lực nặng nề đè lên vai nhà làm phim, đạo diễn.Bên cạnh khá nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển thể thành công, cũng cần phải nhắc đến không ít tác phẩm đã thất bại ngay từ lúc vừa ra rạp như bộ phim “Cậu Vàng” bị khán giả phản ứng từ việc đạo diễn lựa chọn chú chó Nhật Shinba làm “bạn” của Lão Hạc, đến kịch bản rối rắm, cách kể chuyện hời hợt kém duyên, thiếu nhất quán và kém sinh động.
Mới đây tác phẩm Kiều cũng không khác số phận của phim Cậu Vàng là mấy, dù là một phim có tính phóng tác nhiều hơn, chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật Kiều và đặt trong bối cảnh đời sống hiện đại hôm nay, song lại thiếu thu hút vì nội dung đưa ra không thuyết phục được khán giả, thậm chí có ý kiến trong giới phê bình coi đây là một “thảm họa” của phim Việt.
Yếu tố làm nên thành công của dạng phim này chính là tài năng của người chuyển thể kịch bản, của đạo diễn. Một bộ phim điện ảnh hay chắc chắn không phải chỉ dừng lại ở việc minh họa tác phẩm văn học. Các tác giả làm phim phải tôn trọng tác phẩm văn học gốc, nhưng đồng thời phải không ngừng sáng tạo bằng ngôn ngữ của điện ảnh, để mang lại sự hấp dẫn mới với khán giả.
Đạo diễn tài năng là người thể hiện được hết các “ngón nghề” của mình để kể chuyện, khiến bộ phim có một cuộc sống mới, phong phú hơn, thú vị hơn đời sống mà nó mang trong hình hài một tác phẩm văn học.
Việc khán giả không còn bất ngờ với nội dung tác phẩm (vì đã đọc tác phẩm văn học từ trước đó) là một thử thách với đạo diễn. Họ buộc phải vượt qua bằng cách mang tới những “bất ngờ mới”, từ lựa chọn bối cảnh, diễn viên, đến xây dựng tâm lý của nhân vật, các kỹ xảo…
Có rất nhiều con đường khác nhau đưa một tác phẩm văn học đến với điện ảnh, tùy theo góc tiếp cận của đạo diễn để qua đó tạo ra một phiên bản mới trong hình hài điện ảnh. Nhưng dù ở góc độ nào chăng nữa, sự sáng tạo của đạo diễn cũng không được phép phá hỏng hình tượng nhân vật, phải phù hợp tâm lý tiếp nhận của người xem,… thì bộ phim mới có thể được công chúng đón nhận.
Một điều luôn cần nhấn mạnh từ phía các nhà làm phim, đó là sự thấu hiểu đối với khán giả. Khi chọn tác phẩm văn học để chuyển thể, các nhà làm phim cần tìm hiểu để biết khán giả của mình muốn gì, và để thành công, họ cần sáng tạo trên cơ sở đáp ứng kỳ vọng chính đáng của khán giả. Không dễ vượt qua tâm lý có tính “bảo thủ” của nhiều khán giả, những người đã thưởng thức tác phẩm văn học từ trước và như đã “mặc định” trong tâm trí cái hay, cái đẹp của tác phẩm, của nhân vật. Bởi vậy, khi đến với tác phẩm điện ảnh nhiều người không dễ tiếp nhận các sáng tạo của đạo diễn. Họ dễ phản ứng với điều họ cho là “thái quá”, cho dù điều đó có thể chấp nhận hoặc hoàn toàn phù hợp đặc thù ngôn ngữ của điện ảnh.
Nhà làm phim vừa phải tôn trọng tác phẩm văn học, vừa phải tìm cách vượt lên để mang đến những cảm xúc mới cho người xem là một lộ trình khó khăn với bất kỳ nhà làm phim nào. Tuy nhiên nếu vượt qua, thành quả của các nhà làm phim sẽ hết sức giá trị, nhận được hưởng ứng tích cực của người xem.
Trong bối cảnh đó, kịch bản phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể là một lựa chọn khôn ngoan của nhà làm phim. Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức khi đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh, nhưng nếu nhà làm phim thực sự tài năng tài năng và tâm huyết thì thành công không phải là điều quá xa vời.