Những quy định mở của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ
Hết quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là khái niệm bắt nguồn từ thuyết hết quyền được quan tâm hiện nay, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập hiệp định Trips. Thuyết này xác định giới hạn cho quyền SHTT mang tính độc quyền và cân bằng giữa bảo hộ quyền SHTT với đảm bảo sự lưu thông của thị trường cũng như duy trì cạnh tranh lành mạnh; cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền SHTT với lợi ích của người tiêu dùng. Theo thuyết hết quyền, khi sản phẩm mang đối tượng SHTT được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm.
Mục lục
Cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Trips
Trong Hiệp định TRIPS – điều ước quốc tế quan trọng nhất về SHTT của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những vấn đề liên quan đến hết quyền SHTT không chỉ được quy định ở Điều 6 mà còn được đề cập trong một số quy định khác như Điều 16, Điều 26, Điều 28 và Điều 51. Những quy định liên quan đến cơ chế hết quyền SHTT trong Hiệp định TRIPS dẫn đến những cách hiểu khác nhau và gây ra nhiều tranh cãi. Cụ thể như sau:
- Hiệp định TRIPS không quy định một cơ chế hết quyền SHTT cụ thể và yêu cầu các nước thành viên WTO phải áp dụng
Điều 6 Hiệp định TRIPS quy định như sau: “Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, phù hợp với quy định của các Điều 3 và 4, không được sử dụng một quy định nào trong Hiệp định này để đề cập đến hết quyền SHTT”. Quy định này không ngăn cấm các nước thành viên trong việc lựa chọn cơ chế hết quyền. Mỗi nước thành viên có quyền tự do trong việc xây dựng pháp luật điều chỉnh vấn đề hết quyền SHTT, có thể là quy định pháp luật và/hoặc phán quyết của toà án với điều kiện không vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc theo Điều 3 và Điều 4 Hiệp định TRIPS. Áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia, hết quyền khu vực hay hết quyền quốc tế cho các đối tượng SHTT, về nguyên tắc, phù hợp với hai nguyên tắc này. Lý do là việc áp dụng những cơ chế này không tạo ra sự phân biệt trên cơ sở quốc tịch theo nghĩa của Điều 3 và Điều 4 Hiệp định TRIPS. Trong mối quan hệ với hết quyền SHTT, nguyên tắc đối xử quốc gia đòi hỏi các nước thành viên WTO đối xử với công dân nước ngoài tối thiểu như công dân nước mình liên quan đến bảo hộ quyền SHTT khi áp dụng nguyên tắc hết quyền. Cho nên, một nước thành viên WTO không thể áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế cho phép công dân nước ngoài nhập khẩu và áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia ngăn chặn công dân trong nước nhập khẩu. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc áp dụng cho hết quyền SHTT đòi hỏi các nước thành viên không được áp dụng các nguyên tắc hết quyền khác nhau cho công dân của các nước khác nhau.
Điều 6 Hiệp định TRIPS khẳng định: không có điều khoản nào trong Hiệp định, ngoại trừ những điều khoản về cấm phân biệt đối xử (gồm đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc) được sử dụng để giải quyết vấn đề hết quyền SHTT theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Lập luận Hiệp định TRIPS trao cho các nước thành viên WTO quyền tự quyết trong lựa chọn cơ chế hết quyền được củng cố trên cơ sở xem xét các điều khoản khác của Hiệp định. Theo Điều 1(1) Hiệp định TRIPS, “biện pháp thi hành” các quy định của Hiệp định được quyết định tự do trong phạm vi “thực tế và hệ thống pháp luật” của mỗi nước. Như vậy, Hiệp định TRIPS không phải là một đạo luật thống nhất mà chỉ quy định những tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu cho các nước thành viên WTO bên cạnh những quy định tuỳ nghi cho các nước thành viên WTO đối với một số vấn đề. Thêm vào đó, với chú thích 13 cho Điều 51, Hiệp định TRIPS cho phép các nước thành viên WTO quyết định tính hợp pháp của NKSS.
Xem xét Điều 6 và các quy định có liên quan khác về hết quyền SHTT trong Hiệp định TRIPS cho thấy: Hiệp định này không bỏ qua vấn đề hết quyền nhưng dành quyền tự quyết cho các nước thành viên trong lựa chọn cơ chế hết quyền. Nói cách khác, Hiệp định TRIPS không đưa ra một nguyên tắc hết quyền bắt buộc cho các nước thành viên WTO.
- Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ Cộng đồng khẳng định quy định tuỳ nghi của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền
Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ Cộng đồng (Tuyên bố Doha) được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO tại Doha tháng 11 năm 2001. Tại Hội nghị này, chính phủ các nước thành viên WTO nhấn mạnh cần phải thực thi và hiểu Hiệp định TRIPS theo hướng hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng bằng cách thúc đẩy khả năng tiếp cận các thuốc hiện có và sản xuất thuốc mới. Đoạn 4 Tuyên bố Doha bao gồm “thoả thuận” quan trọng của các Bộ trưởng về tác động của Hiệp định TRIPS đoạn 4 Tuyên bố Doha, các nước thành viên WTO cam kết: “Chúng tôi đồng ý rằng, Hiệp định TRIPS không và không nên ngăn chặn các nước thành viên tiến hành các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Theo đó, trong khi lặp lại cam kết của chúng ta theo Hiệp định TRIPS, chúng tôi khẳng định rằng Hiệp định có thể và nên được hiểu cũng như thực thi theo cách hỗ trợ quyền bảo vệ sức khoẻ của các nước thành viên WTO, cụ thể, thúc đẩy tiếp cận thuốc cho tất cả mọi người”.
Bởi vì Tuyên bố Doha được thông qua trên cơ sở đồng thuận của các Bộ trưởng và với ngôn ngữ rõ ràng, Tuyên bố được coi như một “quyết định” của các thành viên WTO theo các quy định của Điều IX:1 Thoả thuận WTO. Trong Tuyên bố Doha, vấn đề hết quyền SHTT được xác định rõ tại đoạn 5(d) như sau:
“Theo quan điểm của đoạn 4 trên đây […] Tác động của những quy định trong Hiệp định TRIPS liên quan tới hết quyền SHTT là cho phép mỗi nước thành viên quyền tự do thiết lập cơ chế hết quyền mà không có bất kỳ phản đối nào, là đối tượng của nguyên tắc đối xử tối huệ quốc và nguyên tắc đối xử quốc gia theo quy định của Điều 3 và Điều 4”.
Tuyên bố Doha kết thúc những tranh cãi về cơ chế hết quyền theo quy định của Hiệp định TRIPS. Ngôn ngữ khẳng định trong đoạn 5(d) Tuyên bố Doha chỉ rõ rằng Hiệp định TRIPS trao cho các nước thành viên WTO quyền quyết định về cơ chế hết quyền. Hơn nữa, ngoại trừ những đòi hỏi theo quy định của Điều 3 và Điều 4, pháp luật của các thành viên WTO về hết quyền không là đối tượng của bất kỳ quy định nào khác trong Hiệp định TRIPS. Do đó, những lập luận phản đối các quy định mở của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền cũng không tồn tại được nữa.
- Tồn tại những khác biệt giữa các thành viên WTO trong áp dụng cơ chế hết quyền trước và sau khi thiết lập Hiệp định TRIPS
Vào thời điểm Hiệp định TRIPS được thiết lập, các nước thành viên của Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) áp dụng các nguyên tắc hết quyền khác nhau. Theo nghiên cứu do Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) thực hiện, “Lịch sử thương lượng của Hiệp định TRIPS không có dấu hiệu nào chứng tỏ các nước thành viên đã đạt được thoả thuận về nguyên tắc hết quyền thống nhất vào thời điểm ký kết”. Theo nghiên cứu của chúng tôi, từ khi Hiệp định có hiệu lực, các nước vẫn tiếp tục thừa nhận và áp dụng những chính sách hết quyền khác nhau (chẳng hạn, Liên minh Châu Âu áp dụng cơ chế hết quyền khu vực; Nhật Bản áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế; Hoa Kỳ áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia có ngoại lệ cho sáng chế và nhãn hiệu, cơ chế hết quyền quốc tế cho quyền tác giả). Do đó, lập luận Hiệp định TRIPS áp đặt một cơ chế hết quyền cụ thể cho các thành viên WTO không hợp lý từ thực tiễn và lịch sử đàm phán Hiệp định TRIPS.
Gợi ý về áp dụng quy định của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền cho các nước thành viên WTO
Hiệp định TRIPS và Tuyên bố Doha – “thoả thuận tiếp theo” của Hiệp định này – trao quyền tự quyết cho các nước thành viên WTO trong xây dựng pháp luật quốc gia về hết quyền sao cho phù hợp với chiến lược phát triển và lợi ích quốc gia.
Nhằm áp dụng hiệu quả quy định mở về cơ chế hết quyền của Hiệp định TRIPS, khi xây dựng và áp dụng chính sách, pháp luật về cơ chế hết quyền, dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, các quốc gia thành viên WTO có thể xem xét một số gợi ý sau đây:
- Xác định rõ lựa chọn cơ chế hết quyền SHTT phù hợp là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến hết quyền SHTT của mỗi quốc gia. Theo nghiên cứu của chúng tôi, áp dụng một cơ chế hết quyền sẽ dẫn đến những tác động nhất định đến lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền SHTT, lợi ích của người tiêu dùng, phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và thương mại quốc tế. Cụ thể, mỗi cơ chế hết quyền đều tác động đến lợi nhuận của chủ thể nắm giữ quyền SHTT và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển; đến giá, số lượng và chất lượng của hàng hoá, dịch vụ; đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ và dòng hàng hoá lưu chuyển qua biên giới. Hơn nữa, áp dụng mỗi cơ chế hết quyền đều dẫn đến những tác động hai mặt, trong đó bao gồm cả những tác động tích cực và hạn chế. Những tác động này khác biệt giữa các quốc gia, ngành công nghiệp và đối tượng SHTT.
- Tiến hành đánh giá những tác động của mỗi cơ chế hết quyền, xem xét những hạn chế và lợi ích của việc áp dụng mỗi cơ chế trong bối cảnh kinh tế, xã hội cụ thể của quốc gia trước khi ban hành chính sách, pháp luật. Phương pháp phân tích chi phí-lợi ích (cost-benefit analysis) nên được áp dụng khi đánh giá tác động của mỗi cơ chế hết quyền nhằm xác định lợi ích của việc áp dụng cơ chế hết quyền cụ thể có vượt quá những hậu quả bất lợi do cơ chế này gây ra hay không. Nếu lợi ích (benefit) lớn hơn chi phí/bất lợi (cost), cơ chế đó nên được xem xét áp dụng. Dưới đây là kết quả nghiên cứu của chúng tôi về những tác động của mỗi cơ chế hết quyền đối với chủ thể nắm giữ quyền SHTT và đối với người tiêu dùng.
Để việc áp dụng quy định của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền cho các nước thành viên WTO được phù hợp và hiệu quả, cần phải tìm hiểu, phân tích kĩ lưỡng cùng với đó là đánh giá tác động để có sự nhìn nhận, điều chỉnh phù hợp.