Sự khác biệt lớn nhất giữa AI của Trung Quốc và phương Tây là tính ứng dụng
Khi phương Tây chạy đua tạo ra những tính năng mới của AI, các công ty Trung Quốc tập trung vào ứng dụng thực tiễn.
Theo CNBC, tại triển lãm Viva Technology diễn ra tuần qua ở Paris, CEO Baidu Robin Li đã nhấn mạnh rằng sự khác biệt lớn nhất giữa AI của Trung Quốc và phương Tây là tính ứng dụng. Trung Quốc có hàng trăm mô hình cơ bản nhưng người ta ngày càng thảo luận nhiều hơn về các siêu ứng dụng trong kỷ nguyên AI. Ông Li cho biết việc ứng dụng đang thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc.
“Nhiều người quan tâm đến việc khi nào sẽ phát hành GPT-5 nhưng tôi lại chú ý hơn đến những ứng dụng nào có thể khai thác tối đa khả năng của các mô hình ngôn ngữ lớn”, ông Li nói.
Ông cho biết các công ty lớn ở Trung Quốc đều bắt đầu bằng cách tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường và ngành AI cũng không ngoại lệ. Các công ty đang tìm cách tốt nhất để đưa AI tạo sinh (GenAI) đến với hàng tỷ người dùng.
Ông lưu ý rằng trong kỷ nguyên Internet di động, đã có những siêu ứng dụng với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng mỗi ngày (DAU). Tuy nhiên, với GenAI, chưa có công ty nào đạt được điều này, cả ở Trung Quốc lẫn phương Tây.
Theo các chuyên gia, một trở ngại lớn đối với GenAI để đạt được hàng trăm triệu người dùng hàng ngày (DAU) chính là tính ứng dụng thực tiễn và giá thành. Mặc dù nhiều người tỏ ra hào hứng với những gì ChatGPT có thể làm nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trả phí hàng tháng để sử dụng chatbot này.
OpenAI, Google và Microsoft đều phải tìm kiếm nguồn thu từ người dùng. Trong khi các công ty phương Tây đang chạy đua để công bố những tính năng mới, ở Trung Quốc, một cuộc đua khác đã diễn ra.
ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã khơi mào cuộc chiến về giá khi tuyên bố mô hình ngôn ngữ lớn Doubao Pro của họ có chi phí thấp nhất là 0,0008 nhân dân tệ (0,011 cent Mỹ) cho 1.000 token trong lời nhắc. Giá này thấp hơn 99,8% so với GPT-4 của OpenAI. Hiện tại, GPT-4 có giá 0,42 tệ cho 1.000 token, còn Ernie của Baidu và Tongyi Qianwen của Alibaba tính phí 0,12 tệ.
Giới phân tích nhận định, từ đây, cuộc đua AI giữa Trung Quốc và phương Tây đã đi đến ngã ba đường. Các nhà phát triển Trung Quốc đã tìm ra cách tối ưu hóa mô hình, giảm giá sản phẩm để thu hút người dùng, trong khi các công ty phương Tây vẫn đang đua nhau xem ai có thể đưa ra những tiến bộ mang tính bước ngoặt trong AI. Việc ồ ạt giới thiệu các tính năng mới từ những ông lớn như Google thậm chí khiến nhiều người trong ngành phải đặt câu hỏi về mục đích thực sự của việc ra mắt nhiều AI như vậy.
Andrew Lanxon, phóng viên công nghệ của Cnet nhận xét: “Sau bài thuyết trình kéo dài hai giờ về Gemini và các công cụ AI khác, ngay cả những nhà báo công nghệ giàu kinh nghiệm cũng phải gãi đầu”. Có hơn chục mô hình AI mới được Google giới thiệu nhưng Lanxon cho rằng công ty nên làm cho người dùng cảm thấy hào hứng hơn với tiềm năng của sản phẩm và hiểu rõ chính xác AI sẽ giúp ích thế nào cho cuộc sống của họ.
Nói cách khác, thay vì tìm ra những tiến bộ cơ bản rồi áp dụng vào các ứng dụng mới như phương Tây, các công ty Trung Quốc lại đi con đường ngược lại: tìm hiểu nhu cầu của người dùng sau đó phát triển ứng dụng và đưa AI vào giải quyết các vấn đề cụ thể. Theo Robin Li, cách tiếp cận tập trung vào giá cả và ứng dụng thực tiễn này sẽ thúc đẩy hàng chục triệu người dùng trí tuệ nhân tạo mỗi ngày. Đây là tiền đề quan trọng để các siêu ứng dụng AI đạt mốc hàng trăm triệu người dùng hàng ngày (DAU).
Theo nhà đồng sáng lập Baidu, việc tập trung vào ứng dụng không có nghĩa là bỏ qua việc phát triển các mô hình nền tảng. Ngược lại, cả hai sẽ bổ sung cho nhau, do đó không phủ nhận những tiến bộ trong nghiên cứu của phương Tây.
“Tiến bộ của các ứng dụng có thể thúc đẩy sự đổi mới trong các mô hình cơ bản. Cách tiếp cận này cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên Internet sang kỷ nguyên AI”, Robin Li nhận định.