Tầm quan trọng của luật bản quyền phần mềm
Luật bản quyền phần mềm là từ ngữ được các kỹ sư thiết kế phần mềm, chủ sở hữu phần mềm thường xuyên sử dụng trong các hoạt động pháp lý đăng ký, bảo hộ phần mềm. Trên thực tế, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản luật nào với tên gọi như vậy, tuy nhiên có thể hiểu luật bản quyền của phần mềm là các quy định hướng dẫn, bảo hộ quyền tác giả đối với đối tượng này.
Mục lục
Những quy định của luật bản quyền phần mềm
Những quy định pháp lý về bản quyền phần mềm thực tế được hướng dẫn tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Phần mềm là gì?
Phần mềm là các tập hợp dữ liệu, chương trình được viết bằng ngôn ngữ máy tính để thiết lập cho hệ thống máy tính thực hiện các tác vụ cụ thể nào đó theo nhu cầu của kỹ sư lập trình, người viết phần mềm. Bản thân phần mềm là một phần của chương trình máy tính và được bảo hộ quyền tác giả theo đối tượng tác phẩm này.
Căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với phần mềm
Căn cứ phát sinh bản quyền phần mềm được áp dụng như với mọi loại đối tượng của quyền tác giả khác. Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Đăng ký bản quyền phần mềm như thế nào?
Khi bạn muốn thông qua pháp luật để công bố, xác lập quyền sở hữu của mình đối với bản quyền phần mềm, bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền tác giả. Thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm bao gồm các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký bản quyền tác phẩm phần mềm máy tính
- Hai đĩa CD chứa nội dung chạy phần mềm
- 02 bản in phần mềm tác phẩm đăng ký
- Hợp đồng uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu phần mềm có đồng tác giả;
- Các tài liệu khác như: giấy từ chứng thực cá nhân tác giả, giấy cam kết sáng tạo, quyết định giao việc…
Hồ sơ đăng ký được tiếp nhận bởi Cục Bản quyền có thời gian xử lý 15 ngày làm việc. Sau 15 ngày, Cục Bản quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối, Cục cũng sẽ gửi văn bản giải thích lý do.
Xử lý xâm phạm theo luật bản quyền phần mềm
Đối với hiện trạng hàng loạt những hành vi cố tình xâm phạm đến bản quyền phần mềm đã được bảo hộ, trước hết bạn có thể áp dụng những biện pháp tự bảo vệ mà pháp luật quy định cho chủ sở hữu phần mềm. Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Việc áp dụng những quy định của luật bản quyền phần mềm trong đời sống, hoạt động khai thác, sử dụng phần mềm rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo thêm những cách bảo vệ phần mềm khác thông qua những bài viết chia sẻ của chúng tôi ngay tại trang https://banquyenquocte.com để có những góc nhìn đa dạng hơn đối với hoạt động pháp lý này.