Bảo hộ quyền tác giả gắn liền với công nghệ 4.0
Quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng trong thế giới công nghệ 4.0 hiện nay. Trước thực trạng này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang đẩy mạnh việc đưa công nghệ 4.0 vào thực thi quyền tác giả. Thành công thì đây có thể xem là một bước tiến mới trong việc bảo hộ quyền tác giả.
Mục lục
Nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường
Theo phản ánh, một số nhạc sỹ – chủ sở hữu tác phẩm chỉ cho phép một số cá nhân là ca sỹ, hoặc đơn vị truyền thông chuyên kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến… được phép thu thanh, thu hình và truyền tải lên mạng internet các tác phẩm với mục đích phổ biến rộng rãi đến người công chúng. Tuy nhiên, các cá nhân/tổ chức này lại lạm dụng những giấy tờ đã ký với tác giả về phổ biến tác phẩm thành phục vụ triệt để việc kinh doanh (khai thác, thu tiền trên nền tảng Youtube), lấy trọn phần doanh thu này, vô hiệu hóa quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, khiến tác giả vô cùng thiệt thòi. Nhiều nhạc sỹ bày tỏ quan điểm khi các cá nhân/ tổ chức sử dụng tác phẩm vào mục đích lan tỏa, phi lợi nhuận, họ sẵn lòng ủng hộ nhưng nếu các cá nhân, tổ chức khai thác sản phẩm đó vì mục đích thương mại, kinh doanh kiếm lợi nhuận, quyền tác giả được kích hoạt và việc phải trả phí tác quyền là điều đương nhiên.
Về vấn đề này, đại diện bộ phận pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: “Pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như yêu cầu thực tiễn của nước ta. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường internet đang ở mức báo động.”
- Bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm phái sinh mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao
- Việt Nam Học Hỏi Kinh Nghiệm Từ Trợ Lý Ảo GoodPy Của Hàn Quốc
- Thông Tin Xác Thực Tài Khoản Mạng Xã Hội Khi Đăng Bài
- Giải Pháp Đột Phá Chuyển Đổi Bảng Biểu Từ Ảnh Sang Excel Với Tốc Độ 40 Khung Hình/ Giây
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
Hầu hết, các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Bên cạnh việc vi phạm trên nền tảng công nghệ số, còn có nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn…
Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia sẻ, hiện nay, tình trạng bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm cho các nhà sản xuất, ca sỹ… vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khuyến cáo, trước khi muốn bán độc quyền, tác giả cần tìm hiểu thật kỹ nếu không rất dễ bị thiệt thòi. Trong trường hợp tác giả sau khi tìm hiểu mà vẫn có nhu cầu bán độc quyền, Trung tâm sẽ tư vấn, giúp tác giả đàm phán nhằm bảo đảm phạm vi, thời hạn độc quyền cũng như giá trị độc quyền được tốt nhất.
Hiện nay có gần 4.500 chủ sở sữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu phí tác quyền. Trong số đó, phần lớn họ ủy quyền toàn bộ; cũng có những tác giả đã bán độc quyền, trao tặng…
Nỗ lực triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm vào bảo hộ thực thi quyền tác giả
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc. Trung tâm đã và đang triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm mà các Tổ chức Tập thể quyền trên thế giới cùng sử dụng, đó là hệ thống phần mềm: Mis@Asia, Cisnet, Apple, Apra, Must, PRS, Komca, IMRO, Gema, Youtube… để đảm bảo tính tương tác cao.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho biết “Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang làm tốt vai trò trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả – chủ sở hữu tác phẩm. Hàng năm, số tiền tác quyền mà anh nhận được luôn cao hơn năm trước, đó là nguồn thu nhập không dễ gì có được. Đặc biệt, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 lan rộng và kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân trong nước và quốc tế, nhưng quý I và II năm 2020, số tiền tác quyền mà anh nhận được từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khá cao”.
Trước đó, năm 2011, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã hỗ trợ Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung “đòi” lại công bằng khi tác phẩm “Vầng trăng khóc” của anh xuất hiện nhiều phiên bản Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia… Còn tác giả sáng tác ra ca khúc lại bị nghi ngờ là “đạo nhạc”… Khi đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã hỗ trợ các giấy tờ, thủ tục pháp lý để chứng minh nguồn gốc tác phẩm, bay sang Singapore để chứng thực trên hệ thống Mis@Asia để khẳng định phiên bản đầu tiên xuất hiện. Từ đó, truy ra nguồn gốc tác phẩm và chứng minh được Nguyễn Văn Chung là người đầu tiên sáng tác bài hát này…
Nhạc sỹ Hoài An cũng chia sẻ “Việc Trung tâm chạy các phần mềm phân phối theo chuẩn của thế giới, cập nhật công nghệ hiện đại đủ mạnh để theo dõi việc sử dụng bản quyền trên các kênh sóng và trên các nền tảng mạng xã hội đã giúp bảo vệ tốt quyền lợi cho các nhạc sỹ…”
Cho đến nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC), thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên.
Trong môi trường công nghệ số, việc phát huy nội lực, chuẩn bị hạ tầng số hóa tốt… sẽ giúp cho chúng ta có những bước phát triển vượt bậc trong việc thực thi tác quyền tác giả âm nhạc, mang lại niềm tin, tạo động lực thúc đẩy sáng tạo cho các tác giả – chủ sở hữu tác phẩm.