Xâm phạm bản quyền phần mềm là hành vi như thế nào?
Bản quyền phần mềm là tài sản sở hữu trí tuệ quan trọng không chỉ ở khía cạnh thương mại mà còn ở khía cạnh tinh thần đối với kỹ sư thiết kế, chủ sở hữu phần mềm. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả phần mềm hiện vẫn là vấn đề nhức nhối, gây đau đầu cho các chủ thể sở hữu phần mềm. Có những biện pháp nào để xử lý các hành vi này? Mời các bạn tham khảo ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Bản quyền phần mềm là gì?
Phần mềm là một trong những cách thể hiện của chương trình máy tính, được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền tác giả. Cần lưu ý, việc bảo hộ bản quyền với chương trình máy tính được áp dụng trước hết đối với các chương trình máy tính được thể hiện chính xác theo quy định tai khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”
Ngay sau khi hình thành, phần mềm sẽ tự động xác lập quyền tác giả mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào, không cần biết đã công bố hay chưa.
Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm
Những hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm được liệt kê chung tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, có thể kể đến như:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với phần mềm
- Mạo danh tác giả phần mềm; Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả, đồng tác giả
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc phần mềm, chương trình code của phần mềm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Tự ý sao chép phần mềm cho mục đích thương mại
- Tự ý sử dụng trái phép phần mềm bản quyền
- Cho thuê phần mềm lậu
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối,truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Xuất bản phần mềm lậu. Cố tình xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong phần mềm
- Cố tình hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật của chủ sở hữu, tác giả phần mềm thực hiện để bảo vệ phần mềm.
Và một số các hành vi tương tự khác, gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến danh dự, uy tín, lợi ích thương mại của tác giả, chủ sở hữu phần mềm hợp pháp.
Cách hình thức xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm
Pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ các biện pháp bảo vệ, xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm. Theo đó, bạn có thể bảo vệ phần mềm của mình thông qua các hình thức như:
Thứ nhất, tự bảo vệ tác phẩm phần mềm
Bạn nên áp dụng những biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả được hướng dẫn tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý hành vi vi phạm
Theo hướng dẫn tại Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, khi phát hiện các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả của mình, bạn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp:
“1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Trên đây là các thông tin pháp lý hiện hành đối với việc bảo hộ bản quyền phần mềm. Để nắm rõ toàn bộ các hướng xử lý vi phạm bản quyền phần mềm, cũng như các cách bảo vệ phần mềm hiệu quả nhất; bạn có thể tham khảo tại những bài viết khác trên trang https://banquyenquocte.com của chúng tôi.