Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi kinh doanh công nghệ
Trong thời đại công nghệ số 5.0, hoạt động kinh doanh công nghệ đã và đang là hoạt động kinh doanh đột phá, trở thành xu hướng mới cho các nhà đầu tư. Với sự sáng tạo và phát triển không ngừng về công nghệ, các chủ sở hữu sản phẩm cần phải thực hiện các biện pháp pháp lý hiệu quả để có thể bảo vệ được thành phẩm của mình trước sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt trên thị trường.
Mục lục
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh công nghệ
Các sản phẩm công nghệ có thể được thể hiện dưới các hình thức vô cùng đa dạng, khác biệt nhau. Tùy thuộc vào hình thức, nội dung cụ thể của từng loại sản phẩm; chủ sở hữu có thể quyết định sẽ bảo hộ chúng dưới dạng đối tượng quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp để phù hợp nhất.
Quyền tác giả cho sản phẩm kinh doanh công nghệ
Thông thường, các sản phẩm kinh doanh công nghệ không thể thiếu những chương trình máy tính, tập tin dữ liệu, sưu tập dữ liệu… để có thể sáng tạo ra một sản phẩm công nghệ cụ thể. Những đối tượng này là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, và sẽ phát sinh quyền ngay khi tác phẩm được định hình. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Quyền sở hữu công nghiệp khi kinh doanh công nghệ
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nổi bật nhất là hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất mang tính đột phá. Các dây chuyền sản xuất này chính là kết quả từ các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: Sáng chế, giải pháp hữu ích.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng này được xác lập thông qua đăng ký bảo hộ, cụ thể theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp khi kinh doanh công nghệ
Để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với sáng chế, giải pháp hữu ích để kinh doanh công nghệ, bạn phải chuẩn bị các hồ sơ bao gồm những tài liệu sau nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Tờ khai đăng ký sáng chế theo mẫu số 01-SC Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
- Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích: cần đảm bảo có nội dung về phần mô tả; yêu cầu bảo hộ cụ thể và hình vẽ
- Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích: lưu ý không vượt quá 150 từ và tách thành các trang riêng
- Giấy ủy quyền nếu nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp
- Các tài liệu chứng minh quyền nộp đơn hợp lệ như: Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn; Tài liệu xác nhận quyền đăng ký; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên…
- Chứng từ nộp phí và lệ phí
Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xét duyệt đồng thời cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích cho các hồ sơ đăng ký hợp lệ. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
Chi tiết hơn về các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh công nghệ; bạn có thể tham khảo những bài viết khác của chúng tôi được chia sẻ công khai trên trang https://banquyenquocte.com.