Việc “đạo nhạc” không còn được khán giả Việt dễ dàng cho qua như ngày xưa
Trong thời đại công nghệ số, khán giả trong nước dễ dàng tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc quốc tế. Chính vì lẽ đó mà dễ dàng nhận ra nếu các ca khúc Việt có đạo nhạc. Khán giả cũng ngày càng khắt khe hơn, không còn dễ dàng được “cho qua” bởi sự mến mộ dành cho thần tượng mà ngược lại, họ khó dung thứ cho các nghi án đạo nhạc. Không ít khán giả Việt đã vào cả trang của ca sĩ, nhạc sĩ, vào bài hát nước ngoài bình luận tố cáo nghệ sĩ Việt đạo nhạc của họ.
Mục lục
Ca khúc “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng MTP lại vướng vào câu chuyện “đạo nhái”
Mới đây, GC- nhà sản xuất âm nhạc người Anh khiếu nại ca khúc Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng MTP trùng lặp ý tưởng beat trong bài hát với ca khúc “Is you mine” đăng trên kênh GC từ tháng 9/2020ca. Nhà sản xuất đăng đàn phân tích sự giống nhau giữa các beat và đặt ra câu hỏi: “Quả thật có sự tương đồng. Bạn có nghĩ đó là việc ăn cắp ý tưởng không?” trong một cuộc trao đổi với khán giả.
Bài hát này nhanh chóng biến mất khỏi kênh Youtube của Sơn Tùng. Sau đó, cả hai phía cho biết đã có những thỏa thuận hợp tác nhằm giải quyết vấn đề.
Trước đây, nhiều ca khúc của Sơn Tùng M-TP đều dính vào nghi án đạo nhạc. Có thể kể đến là ca khúc Cơn mưa ngang qua” bị cho là lấy trọn vẹn phần beat ca khúc “Sarangi Mareul Deutjianha” của nhóm nhạc Hàn Quốc Namolla Family; “Nắng ấm xa dần” được cho là dùng beat của bài hát xứ Hàn Monologue; “Em của ngày hôm qua” giống với Every Night của EXID; “Chắc ai đó sẽ về” tương tự Because I miss you của Jung Yong Hwa… “ Và điển hình nhất là ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau”. Phần hòa âm phối khí so với phần beat ca khúc đình đám “We don’t talk any more” được cho là giống đến trên 90%.
Bên cạnh âm nhạc, nhiều chi tiết trong các MV cũng bị vạch ra là sao chép các MV nổi tiếng thế giới. Phong cách trình diễn, ăn mặc, tạo hình của Sơn Tùng cũng được cho là “copy” từ phong cách của nam ca sĩ đình đám Hàn Quốc G-Dragon.
Sơn Tùng vẫn luôn giữ thái độ im lặng và không có lời giải thích thỏa đáng
Vừa mới đây, chính khán giả đã phát hiện ra ca khúc “Có chắc yêu là đây” đã trình làng năm 2020 có phần nhạc nền tương đồng với bài “Lucky” được nhà sản xuất Robin Wesley đăng tải trên YouTube từ tháng 11/2019.
Một lực lượng khán giả thậm chí còn kéo nhau vào kênh của Robin Wesley để “tố” phần “đạo nhạc” của Sơn Tùng, với ý kiến là “ghét việc đạo nhạc”, “mong làm cho ra lẽ để thị trường nhạc Việt Nam không còn đạo nhạc”…
Trước mọi nghi án, Sơn Tùng vẫn luôn giữ thái độ im lặng. Mặc dù luôn đi cùng nghi vấn đạo nhạc, các ca khúc của Sơn Tùng hầu hết đều đứng đầu trong các bảng xếp hạng về lượt xem vì lượng người hâm mộ đông đảo, ca khúc hợp với xu thế thị trường, được nhiều người trẻ yêu thích.
Tuy nhiên, cách “im lặng” này không ngăn nổi sự phẫn nộ của khán giả như trước đây nữa. Giờ đây, khán giả đã gay gắt hơn nhiều. Trong câu chuyện “trùng beat” với GC mới đây, mặc dù cả hai phía đã giải quyết vấn đề, nhưng trên các hội nhóm về giải trí, nghệ thuật, nhiều người nghe kêu gọi tẩy chay Sơn Tùng vì đã “mất kiên nhẫn với một nam ca sĩ luôn có xu hướng đạo nhạc”.
Sơn Tùng nói riêng và các ca sĩ khác nói chung có thể lách qua được những quy định về bản quyền, nhưng với khán giả, việc đạo nhạc sẽ khiến các nghệ sĩ dần đang bị mất niềm tin và giảm đi sự yêu quý. Để âm nhạc đi vào lòng người, âm nhạc phải là của riêng và sạch sẽ, không nên có sự sao chép quá đà sẽ khiến mất đi chất riêng của người nghệ sĩ.