Bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm phái sinh mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao
Kho tàng tác phẩm văn học nghệ thuật của Việt Nam vô cùng phong phú. Hiện nay, nhiều bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học nghệ thuật được đầu tư công phu, thu hút quan tâm của khán giả. Vậy tác phẩm phái sinh là gì? Làm thế nào để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh.
Mục lục
Hiểu thêm về tác phẩm phái sinh
Những tác phẩm phái sinh có thể kể đến là các tác phẩm cải biên. Đó là tác phẩm được sửa đổi một phần nội dung, phát triển ý tưởng, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên cơ sở là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới.
Các tác phẩm điện ảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay “Chuyện của Pao”, “Mắt biếc” hay “Tây Du Ký”… có thể được gọi là các tác phẩm cải biên từ chất liệu gốc là các tác phẩm văn chương cùng tên. Các bộ phim điện ảnh này chỉ dựa trên tác phẩm gốc nhưng đã có sự thay đổi khá nhiều, thay đổi về cách đọc, cách cảm nhận của nhà làm phim bằng ngôn ngữ mới là ngôn ngữ điện ảnh dẫn đến một cái nhìn mới cho tác phẩm, thậm chí khác xa tác phẩm gốc. Hay nói cách khác, sự sáng tạo sẽ làm nên thành công của một tác phẩm cải biên.
- Quy định của pháp luật về tác phẩm phái sinh
- Phim Kiều vầ câu chuyện về tác phẩm phái sinh
- Bảo hộ quyền tác giả gắn liền với công nghệ 4.0
- Giải Pháp Đột Phá Chuyển Đổi Bảng Biểu Từ Ảnh Sang Excel Với Tốc Độ 40 Khung Hình/ Giây
- AI Contact Center OmiCX lọt vào danh sách 14 giải pháp AI sáng tạo hàng đầu
Tác phẩm chuyển thể cũng là tác phẩm phái sinh. Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm (thường là tác phẩm văn học, nghệ thuật) sang loại hình nghệ thuật khác trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc, ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch…
Tác phẩm chuyển thể có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Khác với tác phẩm chuyển thể, tác phẩm cải biên là tác phẩm dựa trên nội dung tác phẩm gốc và có thể sáng tạo để thành một tác phẩm mới, hoàn toàn khác với nội dung của tác phẩm gốc.
Một số tác phẩm điện ảnh mang tính chất chuyển thể có thể kể đến là tác phẩm phim điện ảnh “Đảo của dân ngụ cư” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến.
Nói đến tác phẩm phái sinh cũng có thể kể đến tác phẩm chú giải. Đây là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc. Tác phẩm “Quốc âm thi tập” của đại văn hào Nguyễn Trãi được viết bằng chữ Nôm đã đánh dấu một cái mốc lớn trên con đường phát triển của ngôn ngữ, văn tự dân tộc. Năm 2014, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội đã xuất bản cuốn Nguyễn Trãi – Quốc Âm Thi Tập do tác giả Phạm Luận phiên âm và chú giải. Tác phẩm của NXB Văn học Hà Nội có thể được gọi là một tác phẩm chú giải.
Ngoài ra các loại hình tác phẩm phái sinh còn có tác phẩm tuyển chọn, tác phẩm biên soạn, tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Những điều cần biết về tác phẩm phái sinh
Tác phẩm là các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào. Các sản phẩm sáng tạo của con người trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được công nhận là tác phẩm khi thỏa mãn đầy đủ hai điều kiện: mang tính sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được thể hiện bởi ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm gốc, sự sáng tạo của tác phẩm dịch được thể hiện ở cách sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt ý nghĩa, diễn tả nội dung của tác phẩm. Tuy nhiên, bản dịch phải sát nghĩa, không được diễn đạt sai ý của tác giả tác phẩm gốc.
Ngoài việc bảo hộ tác phẩm gốc, pháp luật cũng quy định việc bảo hộ đối với các tác phẩm phái sinh. Giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là quyền tự động, phát sinh ngay từ khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký.
Để bảo hộ tác phẩm phái sinh thì cần đáp ứng những điều kiện:
– Thứ nhất, không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm
Theo Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009: “Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”.
Như vậy, để tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì phải đáp ứng điều kiện đầu tiên là không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
– Thứ hai, phải mang dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh
Tác phẩm phái sinh là một tác phẩm sáng tạo từ tác phẩm gốc nên để được bảo hộ một cách độc lập, phải thể hiện được sự sáng tạo mới mẻ mang dấu ấn tác giả của nó nhưng phải đảm bảo không xâm phạm tới quyền tài sản của tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục. Từ đó, tác phẩm phái sinh mới có thể đem tới những giá trị tinh thần mới mẻ và được công chúng đón nhận.
– Thứ ba, phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Theo Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này”.
Như vậy, chỉ trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì không phải xin phép hay có sự đồng ý của tác giả. Còn lại mọi hành vi làm tác phẩm phái sinh đều phải có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Tác phẩm phái sinh cũng chính là một trong các dạng tác phẩm thực hiện việc kế thừa những giá trị về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm gốc, đồng thời mang những giá trị sáng tạo nhất định về hình thức thể hiện nội dung so với tác phẩm gốc. Tuy nhiên, tác phẩm phái sinh cần phải đảm bảo không xâm phạm tới quyền tài sản của tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục.