Đạo nhái ý tưởng kinh doanh liệu có mang lại hiệu quả?
Vấn đề đạo nhại ý tưởng kinh doanh là vấn đề nan giải trên thị trường. Với mong muốn thu về lợi nhuận trong ngắn hạn mà không phải bỏ nhiều chất xám, nhiều người đã thực hiện việc đạo nhái ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng việc này thực chất là mang lại lợi ích hay làm hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng sớm sụp đổ.
Mục lục
Việc “ăn cắp ý tưởng kinh doanh” là một hành động đáng lên án
Để làm nên sự thành công cho một doanh nghiêp, doanh nhân nào cũng hiểu rõ đặc tính độc đáo nhất định trong sản phẩm của mình, hay trong thuật ngữ kinh doanh gọi là “unique selling point” – lợi điểm bán hàng độc nhất. Thương hiệu có in sâu hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng và sau cùng là mang về một nguồn lợi to lớn hay không, chính là nhờ yếu tố này.
Nhiều người chủ đã dành trọn tâm trí, sức sáng tạo lẫn nguồn lực của chính bản thân để tạo ra, phát triển để xây dựng hình ảnh thương hiệu vững chắc trong lòng khách hàng. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều mồ hôi, công sức và nhất là thời gian. Tuy nhiên mồ hôi công sức xây dựng thương hiệu bao năm lại bị những người “lười sáng tạo, giỏi đạo nhái” “mượn” mà “không xin” ý tưởng và sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này phải kể đến việc Cộng Cà Phê với những chi tiết rất riêng biệt, độc đáo: từ concept, decor, sản phẩm đồ uống cho đến slogan… đã làm nên chuỗi thương hiệu được giới trẻ yêu thích với hơn 70 cửa tiệm lớn nhỏ, trải rộng khắp các thành phố và cả một số quốc gia châu Á. Tuy nhiên Cộng, cũng đang bị nhiều tiệm trà chanh, cà phê khác mang ra “copy” một cách trắng trợn. Đã xâm phạm bản quyền tên thương hiệu, những cơ sở này còn để khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ, gây không ít hiểu lầm tiêu cực về Cộng Cà Phê.
Mới đây Kem Tràng Tiền cũng thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Ngoài tái định vị và nâng cao các chỉ số về độ nhận diện, yêu thích, đây cũng là biện pháp thương hiệu kem “quốc dân” mang ra ngăn chặn hiện tượng đạo nhái tràn lan, vốn đã diễn ra trên khắp cả nước trong một khoảng thời gian dài.
Bảo vệ thương hiệu là bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của chính bản thân
Cần hiểu rằng, bảo vệ thương hiệu là bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của chính bản thân. Những sản phẩm làm giả, đạo nhái kém chất lượng sẽ chẳng có đất sống trên một thị trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mọi thương hiệu đều cố gắng mang đến những giá trị tốt đẹp, độc đáo nhất. Khi đó, phía hưởng lợi chính là chúng ta – người bỏ tiền ra mua và tiêu thụ trực tiếp sản phẩm.
Đạo nhái ý tưởng kinh doanh tuy có thể giúp chủ doanh nghiệp thu về lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng hình ảnh thương hiệu chắc chắn sẽ không thể bền lâu. Phần lớn họ chỉ ủng hộ thương hiệu “chính chủ” duy nhất trong nhận thức. “Sao chép” mà hiệu quả không thấy đâu, chỉ nhận về những cái nhìn tiêu cực, có chăng chỉ là sự tẩy chay hay cái nhìn định kiến từ người tiêu dùng.
Quay lại với câu chuyện của Cộng Cad Phê, năm 2019 có một quán cafe thiết kế bên ngoài lẫn phong cách decor bên trong giống y hệt Cộng Cà Phê. Cộng Cà Phê đã chủ động gửi thư cảnh báo tới các cơ sở kinh doanh này, đồng thời khiếu nại đến Cục Sở Hữu Trí Tuệ vào cuộc xử lý. Sớm nhận ra điều này, kha khá cư dân mạng đã thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi “sao chép” bằng việc đồng loạt vote 1 sao, review kém chất lượng trong từng bài đăng quảng bá, khuyên người khác đừng đến quán nọ.
Tháng 3 năm nay, một quán trà chanh mới khai trương trên đường Đê La Thành (Hà Nội) đã bị cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ biển hiệu do xâm phạm bản quyền tên thương hiệu.
Hành động nghiêm túc như Cộng Cà Phê đã làm có thể coi là đóng góp tích cực trong việc nâng cao ý thức của những người chủ doanh nghiệp, hay bất kỳ ai sắp bước chân vào kinh doanh.
Tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, những vụ lùm xùm đạo nhái, sao chép ý tưởng trong đủ mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh cũng đang ngày một tăng. Không chỉ pháp luật, khách hàng mà chính các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ hơn bao giờ hết về trách nhiệm và quyền bảo hộ thương hiệu.