Bảo hộ tác phẩm theo luật bản quyền quốc tế
Bản quyền là loại tài sản sở hữu trí tuệ quan trọng và mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt tinh thần mà còn ở khía cạnh thương mại cho chủ sở hữu. Việc bảo hộ tác phẩm theo luật bản quyền quốc tế giúp chủ sở hữu, tác giả tác phẩm có thể yên tâm công bố, khai thác giá trị tác phẩm không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.
Mục lục
Luật Bản quyền quốc tế là gì?
Luật Bản quyền quốc tế là từ ngữ thường xuyên được sử dụng tại Việt Nam dùng để chỉ các công ước, hiệp định quốc tế và quyền tác giả mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Không thể bỏ qua hai công ước quốc tế quan trọng nhất trong quá trình bảo hộ bản quyền quốc tế, bao gồm:
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật
Công ước Berne gồm 38 Điều và một Phụ lục gồm 6 Điều dành cho các nước đang phát triển, với ba nguyên tắc chủ đạo như sau:
- Nguyên tắc đối xử quốc gia thành viên: Quyền tác giả của tác phẩm tại mỗi quốc gia sẽ được ưu tiên bảo hộ dựa trên cơ sở pháp luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, trường hợp bảo hộ tác phẩm tại các nước thành viên của Berne thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng sẽ được hưởng đúng như những quyền mà nước thành viên dành cho công dân của họ mà không có sự phân biệt, và các đặc quyền mà Công ước Berne dành cho.
- Nguyên tắc bảo hộ độc lập: Cần tách bạch giữa hoạt động thực thi quyền, hưởng quyền theo công ước Berne và quy định tại quốc gia xuất xứ của tác phẩm. Nếu một nước thành viên có quy định thời hạn bảo hộ dài hơn quy định tối thiểu được nêu trong Công ước, đồng thời tác phẩm chấm dứt được bảo hộ tại quốc gia gốc thì sự bảo hộ có thể bị từ chối (tại nước có thời hạn bảo hộ dài hơn này).
- Nguyên tắc tự phát sinh bảo hộ: Về bản chất của hoạt động bảo hộ quyền tác giả, là sự bảo hộ pháp luật đối với hình thức thể hiện của tác phẩm. Vì không xét đến nội dung, nên khi một ý tưởng được hình thành nên tác phẩm hình thức dưới hình thức phù hợp, sẽ mặc nhiên phát sinh quyền của tác giả không cần một thủ tục xác nhận nào cả .
Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng
Công ước Rome chính thức có hiệu lực tại Việt nam từ ngày 01/03/2007. Nội dung chính của công ước này xoay quanh việc bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng. Mục đích của công ước là việc cam kết đối xử bình đẳng theo luật quốc gia của Nước ký kết nơi công bố bảo hộ cho những người biểu diễn, nếu bất kỳ một trong các điều kiện sau đây được đáp ứng:
- Buổi biểu diễn được thực hiện trong một nước thành viên khác.
- Buổi biểu diễn được định hình vào một bản ghi âm, mà bản ghi âm đó được bảo hộ theo công ước này
- Buổi biểu diễn không được định hình vào một bản ghi âm nhưng lại được phát trong một buổi phát sóng được bảo hộ theo công ước này.
Hoạt động phát sinh bảo hộ bản quyền tại Việt Nam
Là một quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng được xây dựng phù hợp với những nguyên tắc chung của luật bản quyền quốc tế. Căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan được nêu rõ tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Trong trường hợp cần sự xác nhận từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan mà mình sở hữu; bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền Việt Nam để được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hợp lệ. Chi tiết hơn về luật bản quyền quốc tế và các điều khoản liên quan khác, bạn có thể tham khảo trực tiếp tại những bài viết trên trang https://banquyenquocte.com của chúng tôi.