Cần đảm bảo tiến độ, chất lượng trong bảo vệ bản quyền
Việc bảo vệ bản quyền ở Việt Nam ngày càng được xem trọng và quan tâm. Việc này được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, từ quản lý của nhà nước đến ý thức bảo vệ bản quyền của người sáng tạo. Trong quá trình làm việc với Cục Bản quyền tác giả, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng lưu ý, Cục cần sớm chủ động triển khai các công việc đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt trong kế hoạch năm 2021.
Mục lục
Trong Quý I, đã cấp 1879 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong phát biểu tại Báo cáo triển khai kế hoạch công tác năm 2021 “Trong 3 tháng đầu năm, Cục đã tập trung triển khai nhiều nội dung công việc quan trọng. Theo đó, đã tiếp tục hoàn thiện dự thảo nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Xây dựng, dự thảo Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ TT&TT trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.”
Theo báo cáo, trong Quý I, đã cấp 1879 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trong điều kiện an toàn nhất để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Cục cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), ), Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT.
Ông cũng cho biết Cục đã trình lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trình lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan…
Trong buổi làm việc, Cục cũng đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức quốc tế liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và hồ sơ đề xuất gia nhập các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan…
Thứ trưởng yêu cầu đảm bảo tiến độ sửa đổi các điều luật về bản quyền
Ông Lê Hồng Phong cho hay “Cục Bản quyền tác giả tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình các cấp theo tiến độ được phê duyệt. Thực hiện các công việc liên quan để triển khai nhiệm vụ Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Xây dựng kế hoạch sơ kết 3 năm triển khai Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.”
Về hợp tác quốc tế, ông nhấn mạnh “Tổ chức làm việc với các tổ chức quốc tế về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WCT, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WPPT.”
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu “Trong khối lượng công việc lớn, cần lựa chọn lĩnh vực, chọn việc và có chủ đề theo từng năm. Như vậy, chủ đề của năm 2021 là gì, cần định hướng để triển khai. Mỗi ngành của Bộ cần góp một tiếng nói cho sự phát triển chung”. Theo Thứ trường “Cần lựa chọn công việc trên tinh thần có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, cần luôn trăn trở“
Thứ trưởng chỉ đạo, cần bám sát quan điểm quản lý Nhà nước về bản quyền tác giả và quyền liên quan bằng công cụ pháp luật, thông qua công cụ pháp luật để điều chỉnh các vấn đề về bản quyền một cách đúng nhất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Thứ trưởng yêu cầu đảm bảo tiến độ sửa đổi các điều luật về bản quyền- một hợp phần quan trọng trong sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cần sớm chủ động nghiên cứu nội dung ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. “Cần xác định đây là nội dung lớn, là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”.
Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng với quốc tế, không thể đơn thương độc mã trong đấu tranh chống xâm phạm bản quyền, vì vậy cần rà soát lại những điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, xem nội dung nào hợp lý, nội dung nào bất hợp lý và cần phải bổ sung. Trong sân chơi này, Việt Nam cần hội nhập một cách chủ động, bài bản.
Để thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng khẳng định “Cần chủ động xây dựng Đề án về phát triển Công nghiệp Văn hóa giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến 2030. Sản phẩm của đề án là kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trên tinh thần lựa chọn các mũi nhọn”.
Những nhiệm vụ được Thứ trưởng cũng như các chuyên gia, tổ chức đề ra là vô cùng cấp thiết đối với sự phát triển của việc bảo vệ bản quyền của Việt Nam. Cần đảm bảo tiến độ, chất lượng và trên tinh thần của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.