Đạo nhạc: Chỉ nói nhưng không làm gì!
Những ngày qua câu chuyện đạo nhạc luôn là câu chuyện nóng trong dư luận, hết Sơn Tùng MTP đến Jack. Mặc dù vậy nhưng vấn đề này vẫn bị bỏ ngõ. Việc xác định và xử lý vấn đề này hiện vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Mục lục
Nhiều ca sĩ nổi tiếng vướng nghi án đạo nhạc
Nói đến đạo nhạc ở Việt Nam không thể không kể đến Sơn Tùng MTP. Nhiều khán giả hài hước đặt cho Sơn Tùng MTP là “ông hoàng đạo nhạc” vì khoảng 8 năm đến với nghiệp ca hát thì anh đã có tới… 16 lần vướng nghi án đạo nhạc.
Các ca khúc hit của Sơn Tùng như Chúng ta không thuộc về nhau, Cơn mưa ngang qua, Đừng về trễ, Em của ngày hôm qua, Nắng ấm xa dần, Chắc ai đó sẽ về… đều bị tố đạo nhạc. Nhưng điều đáng nói là các ca khúc đó vẫn c làm mưa làm gió trong làng giải trí.
Mới đây nhất, cộng đồng mạng lại đứng ngồi không yên khi Ca khúc mới của Sơn Tùng MTP có tên gọi Chúng ta của hiện tại vừa qua bị một đơn vị nước ngoài tố đạo nhạc. Chúng ta của hiện tại có sự tương đồng giai điệu với hai ca khúc R&B All Night (KnowKnow) và bản beat Is your mine theo style Bruno Mars. Không lâu trước, nhà sản xuất Robin Wesley đã đăng tải đoạn video so sánh giai điệu ca khúc Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng MTP và ca khúc Lucky (sản xuất 2019), nhiều người nhận ra nam ca sĩ trẻ quê Thái Bình đã sử dụng beat nhạc của Robin Wesley mà chưa có sự xin phép từ chủ sở hữu.
Sau Sơn Tùng MTP là nam ca sĩ Jack. Các ca khúc Hoa hải đường, Đom đóm của Jack vừa bị tố đạo nhạc nước ngoài. Cụ thể, Đom đóm lại được cho là lấy ý tưởng của Sứ Thanh Hoa của Châu Kiệt Luân, với một vài câu hát gần như trùng lặp giai điệu của Sứ Thanh Hoa. Còn ca khúc Hoa hải đường có sự tương đồng với Thiên địa vô sương – bản nhạc phim truyền hình Hương mật tự khói sương của màn ảnh Hoa Ngữ. Trong đoạn clip so sánh, khi đặt hai ca khúc cạnh nhau, nhiều người thấy rõ điệp khúc với bản beat dồn dập có nét tương đồng. Mặc dù chuyện khá ồn ào nhưng đến nay Jack vẫn im lặng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho biết có một bài hát về Tết của anh có nhạc sĩ đã dùng nguyên phần hợp âm cấu thành bài hát, cấu trúc, nội dung, một số ca từ… để thực hiện sản phẩm. Có nhiều trường hợp “đạo” từ ca từ, nội dung đến giai điệu – tiết tấu.
Ca khúc bị tố đạo nhạc ngày càng nhiều nhưng vẫn bỏ ngỏ việc xử lý
Hiện nay, việc các ca sĩ bị phát hiện sử dụng chất xám của người khác để làm thành tác phẩm của mình dường như không còn lạ lẫm. Có thể kể đến tiếng kèn trong ca khúc Lẻ loi của Châu Đăng Khoa được cho là quá giống với bài hát ăn khách của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc. Ca khúc Trách ai bây giờ của Đỗ Hiếu có phần beat điệp khúc giống gần như hoàn toàn một bài hát Hàn Quốc.
Vũ Bình Minh tại cuộc thi Sing my song với ca khúc Hạnh phúc của bạn là gì có phần điệp khúc giống Chiếc bụng đói của ca sĩ – nhạc sĩ Tiên Cookie. Ngoài ra, đoạn nhạc đầu của Chiếc bụng đói cũng na ná giai điệu với ca khúc Tôi thích…
Tại chương trình Sao Đại chiến, Phúc Bồ có đến 2 lần ngang nhiên đạo nhạc Mino (Winner) trong quá trình sáng tác Cưa cẩm và Rap Binh đoàn hổ. Chỉ khi bị người hâm mộ xứ kim chi lên án, tố cáo thì Phúc Bồ mới chịu lên tiếng để “chữa cháy”.
Bàn luận về vấn đề này, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho hay: “Những người sáng tác ít hiểu biết về âm nhạc và thiếu bản lĩnh, thiếu chuyên nghiệp sẽ dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, vay mượn chỗ này chỗ kia làm thành của mình. Để giải quyết vấn đề đạo nhạc, cần có một chiến lược tổng hợp, trong đó có cả việc xây dựng hành lang pháp lý, truyền thông gắn với nâng cao dân trí, thay đổi cách thức giáo dục âm nhạc.”
Đề cập của nhà lý luận Nguyễn Minh Châu cũng là điều mà Việt Nam đang gặp phải. Để giải quyết vấn đề đạo nhạc, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cần thiết, xây dựng hành lang pháp lý. Đồng thời hơn ai hết, các ca sĩ, nhạc sĩ cần đặt ý thức làm nhạc lên trên hết, tôn trọng trí tuệ, công sức sáng tạo của những nghệ sĩ khác.