Các Big Tech đã khởi động cuộc đua đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI
Công nghệ AI ra đời đã làm rung chuyển thế giới công nghệ, tuy nhiên có một điều vẫn không thay đổi – Big Tech vẫn nắm giữ quyền lực tuyệt đối.
Sau khi Microsoft rót 10 tỷ USD vào OpenAI trong tháng 01/2023, những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) khác đã khởi động cuộc đua hợp tác với các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thông qua các thỏa thuận tài trợ và điện toán đám mây. Trong năm 2023, Salesforce đã dẫn đầu vòng gọi vốn của Hugging Face với mức định giá 4,5 tỷ USD. Alphabet và Amazon đầu tư hàng tỷ USD vào đối thủ Anthropic của OpenAI. Nvidia cũng hỗ trợ vốn cho nhiều công ty khởi nghiệp AI.
Vào đầu tháng 12/2023, Nvidia đã công bố ký kết hơn 20 dự án đầu tư AI và cho biết: “Những mối quan hệ hợp tác này kích thích sự đổi mới chung, nâng cao giá trị nền tảng Nvidia và mở rộng hệ sinh thái”.
- Nhiều nhân viên công nghệ thất nghiệp vì ‘cơn sốt’ trí tuệ nhân tạo
- OpenAI sắp trình diện mô hình AI mới, mạnh hơn GPT-4 100 lần
- Tập đoàn Bảo hiểm FWD mở rộng quan hệ hợp tác với Microsoft
- Microsoft nên mua lại OpenAI, HCL, BCG và các đối tác chiến lược, dịch vụ và công nghệ khác
- Chatbot Bing mới của Microsoft thú vị nhưng đôi khi thận trọng hơn ChatGPT
Microsoft không chỉ đầu tư mạnh mẽ vào OpenAI mà còn liên kết với Inflection AI và Adept cùng với nhiều công ty khởi nghiệp AI trị giá hàng tỷ USD khác. Tháng 11/2023, sự chi phối của Microsoft đối với OpenAI được thể hiện rõ ràng khi Giám đốc điều hành Sam Altman bị sa thải trong một vài ngày.
Microsoft đã “đe dọa” ban quản trị của OpenAI về việc sẽ thuê Sam Altman và các đồng nghiệp để thành lập một bộ phận AI mới của Microsoft.
Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, việc hợp tác với Big Tech là một cơ hội cứu cánh quan trọng. Việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn, làm nền tảng cho các chatbot AI như ChatGPT đòi hỏi sự đầu tư đáng kể cả về chi phí và tài nguyên máy tính. Các Big Tech có đầy đủ cơ sở hạ tầng và nguồn vốn để hỗ trợ những dự án có quy mô lớn như vậy.
Ngược lại, đối với các công ty công nghệ lớn, những thỏa thuận này không chỉ là cách để giữ vững vị thế trong thị trường đầy cạnh tranh mà còn là một phương tiện để củng cố củng cố khả năng chi phối, đặc biệt là sau thành công vang dội của ChatGPT.
Việc hợp tác chặt chẽ với các công ty khởi nghiệp AI mang lại lợi ích không chỉ về mặt công nghệ mà còn giúp họ tiêu thụ sản phẩm như các dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft, Google và Amazon.
Hầu hết các công ty khởi nghiệp AI triển vọng ngày nay đều đang phụ thuộc vào các Big Tech về tài chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Điều này thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Chẳng hạn, mối quan hệ đối tác giữa Microsoft và OpenAI đang dần trở thành đối tượng giám sát của các cơ quan quản lý cạnh tranh ở Anh và Mỹ. Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang được Chính phủ giao nhiệm vụ thúc đẩy “một hệ sinh thái AI công bằng, cởi mở và cạnh tranh”. Trước đó, các cơ quan quản lý Mỹ đã tiến hành thu thập ý kiến đánh giá từ công chúng về tính cạnh tranh trong các hợp đồng điện toán đám mây lớn.
Những nỗi lo của các nhà quản lý xoay quanh câu chuyện về đầu tư chiến lược vào các công ty khởi nghiệp AI có thể dẫn đến sự độc quyền của Big Tech trong lĩnh vực AI.
Để đối phó với những lo ngại này, Microsoft đã lên tiếng khẳng định rằng họ không sở hữu cổ phần truyền thống của OpenAI. Đại diện của công ty nhấn mạnh: “Điều quan trọng là Microsoft không sở hữu cổ phần của OpenAI và chỉ được hưởng một phần phân phối lợi nhuận”.
Trong bối cảnh các cơ quan quản lý ngày càng gia tăng sự giám sát, Apple và Meta đang tỏ ra thận trọng khi hợp tác với các công ty khởi nghiệp AI. Apple đã tự xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn Ajax và triển khai chatbot nội bộ ‘Apple GPT’. Trong khi đó, Meta cũng đã phát triển mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở và ký kết quan hệ đối tác với các đối thủ lớn khác như Microsoft và Amazon.