Erik và nghi vấn đạo nhạc tác phẩm “Anh luôn là lý do”
Khái niệm “đạo nhạc” là khái niệm được dùng phổ biến đặc biệt ở âm nhạc quốc tế, tuy nhiên ở Việt Nam thì thuật ngữ này chỉ dùng trong giao tiếp, chứ không được quy định cụ thể trong luật. Liên quan đến ồn ào của Erik lbị nghi vấn “đạo nhạc” tác phẩm Anh luôn là lý do, các chuyên gia pháp lý khẳng định và cho rằng để xác định Erik có đạo nhạc hay không, phải áp dụng theo pháp luật.
Mục lục
Có ý kiến cho rằng sản phẩm của Erik có những giai điệu tương đồng với ca khúc Hoa ngữ Tâm lặng như nước
Erik là là một nam ca sĩ kiêm vũ công nổi tiếng và được giới trẻ yêu mến hàng đầu hiện nay. Trong suốt sự nghiệp, anh từng giành được 4 đề cử tại giải Cống hiến và là nghệ sĩ duy nhất được đề cử 2 lần hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm”. Các ca khúc của Erik hầu như đều trở thành “hit” khi ra lò.
Tuy nhiên, mới đây, vừa tung MV mới mang tên Anh luôn là lý do, do nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện sáng tác, nhưng Erik đã vấp phải những tranh cãi trái chiều khi nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm của Erik có những giai điệu tương đồng với ca khúc Hoa ngữ Tâm lặng như nước của Ice Paper (ca khúc ra mắt năm 2019 và clip Vietsub bài hát này đạt gần 10 triệu view trên YouTube).
Quy định pháp luật Việt Nam không có chế tài xử phạt nào liên quan khái niệm “đạo nhạc”
Để xác định một bài hát nào đó có sao chép tác phẩm hay không, theo các chuyên gia pháp lý phải để cơ quan chuyên môn xác định mức độ sao chép nhau giữa hai tác phẩm theo quy định của pháp luật.
Luật sư (LS) Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM đồng thười là luật sư điều hành Phan Law Việt nam cho biết: “Trước đây, tại Việt Nam cũng đã có một số ca khúc sau khi công bố bị khán giả cho rằng “đạo nhạc”. Thực tế, khán giả chỉ dùng cảm quan để nhận xét. Mặt khác “đạo nhạc” là cách gọi dân gian chứ quy định pháp luật Việt Nam không có chế tài xử phạt nào liên quan khái niệm này, mà chỉ có khái niệm “sao chép tác phẩm”. Việc khán giả nghe giống nhau mới chỉ là khởi đầu, dấu hiệu; còn việc khẳng định sao chép hay không phải áp dụng theo pháp luật”.
Luật sư cũng nhận định khán giả thường đánh giá tác phẩm một phần dựa vào cảm quan chứ không theo quy định của pháp luật. Và thông thường, hai cách đánh giá này lại không tương đồng với nhau. “Đôi khi, khán giả nghe có cảm giác giống nhau rồi quy chụp ca khúc “đạo nhạc”, nhưng trên thực tế để xác định một bài hát nào đó sao chép hay không phải để cơ quan chuyên môn xác định mức độ sao chép nhau giữa hai tác phẩm theo quy định của pháp luật. Trong sáng tác, việc sao chép là có xảy ra, nhưng đôi lúc người sáng tác có cùng dòng nhạc, cùng tần số cảm xúc ở một góc độ nào đó thì việc cho ra đời tác phẩm có sự tương đồng với nhau cũng là chuyện dễ thấy. Điều đó chưa đủ nói lên tác phẩm nào đó là sao chép”.
LS Tuấn cũng cho rằng, ““Đạo nhạc là sự quy chụp đưa người khác vào một phạm trù về mặt đạo đức, nhưng được dựa trên khái niệm sao chép tác phẩm như pháp luật quy định. Do đó, công chúng cần cân nhắc khi đưa ra một nhận định, cách hiểu về sản phẩm âm nhạc. Khi quy chụp cho người khác một hành vi vi phạm pháp luật có nghĩa là đang xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của họ. Tùy vào mức độ gây tổn hại mà người có phát ngôn quy chụp đó có thể bị xử phạt hành chính, dân sự hoặc truy tố trách nhiệm hình sự”.
Những phân tích của Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn hơn trong việc cho rằng một tác phẩm hay ca sĩ nào đang ‘đạo nhạc”. Việc cảm quan để đánh giá một tác phẩm là điều không nên, ảnh hưởng đến người nghệ sĩ rất lớn. Người làm nghệ thuật cần nghiêm túc trong công việc của mình để mang đến những sản phẩm chất lượng cho khán giả đồng thười khán giả cũng cần phải có cái nhìn khách quan, đánh giá tác phẩm và người nghệ sĩ một cách công bằng, không quá cảm tính.