Tìm hiểu về luật bản quyền âm nhạc Việt Nam
Luật bản quyền âm nhạc tại Việt Nam được hiểu như các quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm âm nhạc. Có thể thấy, dưới sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, âm nhạc trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Giá trị của các tác phẩm này mang lại không chỉ dừng lại ở giá trị tinh thần mà còn mang lại rất nhiều lợi ích thương mại cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Mục lục
Tác phẩm âm nhạc được bảo hộ như thế nào?
Tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo luật bản quyền âm nhạc, hay chính xác hơn là Luật Sở hữu trí tuệ.
Hình thức thể hiện tác phẩm âm nhạc
Để phát sinh quyền tác giả, trước hết tác phẩm âm nhạc cần đáp ứng được thể hiện dưới hình thức mà pháp luật yêu cầu. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 122/2018/NĐ-CP:
“Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.”
Căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Quyền tác giả là loại quyền phát sinh trên cơ chế tự động. Có nghĩa là khi bất kỳ một tác phẩm nào thuộc đối tượng bảo hộ được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký; thì quyền tác giả đều sẽ tự động phát sinh mà tác giả không cần thực hiện bất kỳ thủ tục.
Bảo hộ tác phẩm âm nhạc theo luật bản quyền âm nhạc
Tuy tác phẩm âm nhạc được bảo hộ trên cơ chế tự động, nhưng việc chứng minh ai là chủ sở hữu, tác giả thật sự của tác phẩm gặp rất nhiều khó khăn khi không may xảy ra tranh chấp. Vì vậy, bạn nên thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận quyền, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả nhằm nắm trong tay bằng chứng pháp lý tối ưu nhất.
Thủ tục hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Để tiến hành thủ tục này, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả đầy đủ các tài liệu cần thiết mà pháp luật đã quy định, bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- Bản sao tác phẩm âm nhạc cần được bảo hộ (bản nhạc, nhạc phổ, CD…)
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, chủ sở hữu, nếu tác phẩm có đồng tác giả, chủ sở hữu
- Bản cam đoan tác phẩm được sáng tác từ tác giả không có bất kỳ sự sao chép nào
Nghệ sĩ thể hiện tác phẩm âm nhạc có được bảo hộ?
Đối với nghệ sĩ thể hiện tác phẩm âm nhạc, họ vẫn được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả. Cụ thể, là quyền của nghệ sĩ đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của mình.
Theo luật bản quyền âm nhạc, tác phẩm âm nhạc được bảo hộ bao lâu?
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Với tác phẩm âm nhạc cũng không phải ngoại lệ, thời hạn bảo hộ bản quyền với loại tác phẩm này được chia thành các mốc khác nhau.
Thứ nhất, quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn, trừ quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”
Thứ hai, quyền tài sản đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Có thể thấy các quy định về luật bản quyền âm nhạc giúp chúng ta xác định được rõ hơn về cơ chế bảo hộ đối với loại tài sản sở hữu trí tuệ này.