03 điều cơ bản về luật bản quyền hình ảnh tại Việt Nam
Luật bản quyền hình ảnh tại Việt Nam nhằm chỉ về các quy định đối với việc bảo hộ bản quyền hình ảnh khi sử dụng, sáng tạo chúng tại Việt Nam. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật là một trong những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh là một trong các tác phẩm nghệ thuật phổ biến được sáng tạo, áp dụng, sử dụng rộng rãi dưới sự bùng nổ của thời đại công nghệ. Việc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm hình ảnh ngày càng được xã hội dành sự quan tâm đúng mức. Bạn cần nắm được ít nhất 03 quy định về bản quyền hình ảnh trong bài viết dưới đây để có thể sáng tạo cũng như sử dụng hình ảnh chính xác nhất.
Mục lục
Luật bản quyền hình ảnh là gì?
Thực tế, luật bản quyền hình ảnh là các quy định được hướng dẫn chi tiết tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các văn bản pháp lý liên quan. Nội dung chính bao gồm:
- Căn cứ xác lập quyền tác giả, quyền sở hữu đối với tác phẩm hình ảnh
- Điều kiện để tác phẩm hình ảnh được pháp luật bảo hộ
- Các trường hợp được phép sử dụng hình ảnh
- Các trường hợp xâm phạm đến quyền tác giả đối với một tác phẩm hình ảnh
- Các chế tài và biện pháp xử lý đối với xâm phạm quyền tác giả.
Quy định về xác lập quyền theo luật bản quyền hình ảnh
Quyền tác giả là một trong những quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt quan trọng. Hình ảnh được bảo hộ quyền tác giả cần đáp ứng được những điều kiện về hình thức thể hiện, căn cứ xác lập quyền mà pháp luật bản quyền đã quy định.
Hình thức thế hiện của hình ảnh để được bảo hộ quyền tác giả
Hình ảnh phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày phải kể đến các tác phẩm nhiếp ảnh. Đây là một trong những loại hình tác phẩm nghệ thuật được pháp luật công nhận bảo hộ quyền tác giả. Theo hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, hình thức thể hiện của tác phẩm nhiếp ảnh phải đảm bảo được:
“…là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.”
Căn cứ bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm hình ảnh
Dưới thực trạng xâm phạm bản quyền hình ảnh diễn ra ngày càng nhiều, tác giả, chủ sở hữu hình ảnh thường băn khoăn chung về việc có cần thiết phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền cho tác phẩm của mình hay không? Tuy nhiên, pháp luật quy định rõ về căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm nói chung tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Như vậy, tác phẩm của bạn thực chất đã phát sinh quyền tác giả ngay khi bạn hoàn thành tác phẩm. Nhưng là cách nào để chứng minh về quyền tác giả khi không may xảy ra tranh chấp? Cách nhanh chóng và hiệu quả nhất chính là đăng ký bản quyền hình ảnh của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để pháp luật ghi nhận lại quyền này.
Luật bản quyền hình ảnh quy định như thế nào về việc sử dụng hình ảnh?
Liệu có phải mọi người khi muốn sử dụng hình ảnh dưới bất kỳ hình thức nào đều cần phải xin phép, trả tiền cho tác giả/chủ sở hữu của hình ảnh hay không? Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có nêu rõ những trường hợp bạn có thể sử dụng tác phẩm hình ảnh đã công bố mà không phải xin phép, không cần trả tiền nhuận bút, thù lao. Tất nhiên, dù sử dụng ở các trường hợp này bạn vẫn cần đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Cụ thể, các trường hợp này bao gồm:
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
- Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; để giảng dạy trong nhà trường.
- Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó
- Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
Đây là các 03 nội dung cơ bản nhất mà bạn cần nắm trong luật bản quyền hình ảnh. Các yếu tố về quyền sở hữu trí tuệ nói chung trong quy định pháp luật hiện hành rất đa dạng và chặt chẽ, bạn cần cập nhật thường xuyên để có thể an tâm sử dụng và bảo vệ các tác phẩm hình ảnh của mình.