Vi phạm bản quyền trong Cover bài hát
Thời gian gần đây, việc hát cover (hát lại một bài hát dưới nhiều hình thức) dường như đang trở thành một trào lưu phát triển mạnh. Điều đó làm cho âm nhạc thêm nhiều màu sắc, sôi động hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền trong câu chuyện cover bài hát là vấn đề cần được lưu tâm khi góc khuất sai phạm này đang bị làm ngơ.
Ồn ảo của Hương Ly xung quanh việc cover bài hát có tất cả nhưng thiếu em
“Thánh cover” Hương Ly thường cover những bản hit của V-pop một cách chuyên nghiệp. Những video cover của cô thường đạt lượt xem khá lớn như “Đau để trưởng thành” (31 triệu), “Độ ta không độ nàng” (18 triệu), “Sóng gió” (57 triệu)… Quản lý của Hương Ly đã tiết lộ, những sản phẩm Hương Ly cover đều đã được cô trao đổi với nghệ sĩ sở hữu bản gốc. Thậm chí, 90% chủ động liên hệ nhờ cô cover và đăng sản phẩm.
- Ứng dụng gọi xe tích hợp hơn 200 hãng taxi Việt Nam
- Cover bài hát, liệu có vi phạm bản quyền âm nhạc?
- Ca sĩ Lệ Quyên, Tùng Dương và Đan Trường bị tố vi phạm bản quyền âm nhạc với ca khúc ‘Ai chung tình được mãi’
- Cần mạnh tay xử lý tình trạng vi phạm bản quyền sách nói
- Bức xúc trước tình trạng vi phạm bản quyền sách số
Thời gian qua, cái tên Hương Ly gây nhiều chú ý bởi lùm xùm cover ca khúc “Có tất cả nhưng thiếu em” của Erik. Cộng đồng nghe nhạc đã cho rằng, Hương Ly “cướp” bản hit của ca sĩ khác và yêu cầu cô dừng ngay việc cover ca khúc mà ca sĩ khác vừa ra , khi bản cover của Hương Ly trên YouTube “nóng” hơn bản gốc, cụ thể là hơn 35 triệu lượt xem, cao hơn MV gốc của Erik (chỉ hơn 26 triệu lượt xem).
Đã có nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn về bản quyền giữa ca sĩ hát bản gốc với người cover. Vừa qua, Chi Pu đã “dằn mặt” hai ca sĩ “không tiện nêu tên” hát bài hát của cô trong chương trình mang tính thương mại. Trước đó, nhiều trường hợp ca sĩ bức xúc khi thấy bài hát của mình bị “xài chùa”.
“Hiện tượng livestream” Hoa Vinh từng căng thẳng với Châu Khải Phong sau khi Hoa Vinh cover ca khúc “Ngắm hoa lệ rơi”. Hoa Vinh đã thu âm ca khúc này và đăng tải trên các trang nhạc trực tuyến. Châu Khải Phong bất bình và đòi kiện Hoa Vinh về bản quyền. Cũng chính Hoa Vinh từng khiến ca sĩ Tuấn Hưng bức xúc “dằn mặt” vì không những cover ca khúc “Độc thoại” không xin phép mà còn chế lời tục tĩu. Gần đây nhất, lùm xùm “Độ ta không độ nàng” từng khiến hàng loạt bản cover ca khúc này tại Việt Nam bị gỡ khỏi YouTube vì cover không có bản quyền.
Luật bản quyền Việt Nam chưa đủ mạnh để răng đe
Cover trong âm nhạc không phải điều xấu và thậm chí còn có cái lợi trong việc giúp bài hát thêm lan tỏa. Đó là lý do nhiều ca sĩ đã tổ chức cuộc thi cover các sản phẩm của mình sau khi bài hát ra mắt. Tuy nhiên, cover không có nghĩa có thể thoải mái làm kể cả không nhằm thương mại.
Về vấn đề này ca sĩ Tuấn Hưng cho rằng: “ở Việt Nam xử lý mọi thứ đều thiên về tình cảm. Phong trào cover rất mạnh khiến các bạn trẻ tự do sử dụng bài hát của người khác vô tội vạ. Có người có ý thức xin phép, cũng có người không xin phép mà lấy luôn bài của nghệ sĩ khác làm sản phẩm âm nhạc riêng của mình trên mạng. Đề cập tới chuyện nhiều người vin cớ không cover để làm thương mại, nhiều người trẻ đang có cách “làm giả ăn thật”. “Giả vờ cover cho vui nhưng nếu hot thì sẽ hot thật sự. Nhiều bạn đã thành công với cách cover đó vì khán giả thích nghe những gì mới lạ, bầu sô có thể dựa vào số lượng like của họ trên YouTube hoặc các kênh mạng để mời show”.
Nhiều ca sĩ phản ứng vì người khác cover bài của mình không xin phép lại bị dư luận “ném đá”, bị cho là người ích kỷ, cản trở sự nghiệp của người khác. Đây là điều khiến Tuấn Hưng bất bình và anh khẳng định, luật bản quyền âm nhạc ở Việt Nam còn phải sửa nhiều mới có luật cụ thể. Còn hiện tại, chưa có biện pháp đủ mạnh để răn đe.
Theo ca sĩ Hồ Quang Hiếu : “vấn đề bản quyền hiện nay ở Việt Nam đang quá dễ dãi và cả nghệ sĩ cũng dễ dãi. Bên nào cũng nghĩ nếu người khác cover mà có lợi cho mình thì để im, còn không mới quay ra lên án. Một bài hát được nhiều người cover là chuyện tốt vì chứng tỏ độ yêu thích của khán giả. Thế nhưng, vẫn luôn có giới hạn trong vấn đề bản quyền. Anh cho rằng, nếu đã cover một cách chuyên nghiệp (người cover có lượng fan lớn, có sự đầu tư nghiêm túc về âm thanh, máy quay…) thì phải có sự làm việc giữa hai bên và chặt chẽ trong vấn đề bản quyền. Người cover phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc dù bài hát đó có là bản hit và phải trả tiền bản quyền cho người hát bản gốc.”
Dưới góc độ pháp lý, quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền tài sản độc quyền của chủ sở hữu tác phẩm, được pháp luật bảo hộ và buộc các đối tượng khác phải tôn trọng, không được làm ảnh hưởng tới quyền này.
Viết lại lời bài hát được xem là một hình thức làm tác phẩm phái sinh theo quy định tại Khoản 8, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ.
Về nguyên tắc, muốn cover bài hát của người khác phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, trừ một số trường hợp phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy hay biểu diễn không thu tiền…
Kể từ khi âm nhạc dần chuyển hướng sang YouTube, trào lưu cover nhạc phát triển cũng đã đưa tên tuổi của nhiều giọng ca trẻ trở nên nổi tiếng. Việc cover không chỉ xảy ra trên mạng mà không ít người còn cover hẳn trên sân khấu như hiện nay cần phải được quản lý chặt chẽ về bản quyền. Không chỉ nhạc sĩ ca sĩ quan tâm về vấn đề bản quyền mà chính người nghe nhạc hiện đại bây giờ cũng quan tâm về vấn đề này khi nghe nhạc. Để phát triển bền vững trên con đường âm nhạc chân chính, người nghệ sĩ cần ý thức và làm đúng, tôn trọng công sức lao động nghệ thuật của người khác.