Xử lý hành vi vi phạm bản quyền phần mềm
Phần mềm đã và đang trở thành tài sản mang lại giá trị kinh tế cực kỳ cao trong thời đại thông tin số. Nắm bắt các quy định pháp luật hướng dẫn xử lý vi phạm bản quyền phần mềm giúp bạn có thể bảo vệ tốt hơn phần mềm của mình trong quá trình sử dụng, khai thác. Đồng thời, bạn sẽ có những biện pháp phòng tránh hành vi vi phạm bản quyền đối với phần mềm hiệu quả.
Mục lục
Một số hành vi vi phạm bản quyền phần mềm
Phần mềm là một trong những loại hình chương trình máy tính được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền tác giả. Vi phạm bản quyền phần mềm là những hành vi sử dụng, khai thác, sửa chữa, mạo danh… phần mềm mà chưa được sự cho phép từ chủ sở hữu. Các hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm phổ biến có thể liệt kê như:
- Mạo danh tác giả phần mềm
- Tạo bản sao trái phép, tạo bản phái sinh của phần mềm
- Tự công bố, phân phối phần mềm mà không được sự đồng ý của tác giả
- Sửa chữa, cắt xén chương trình máy tính phần mềm
- Sử dụng phần mềm không trả tiền bản quyền
- Cố ý vô hiệu hóa trái phép một sản phẩm được gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả.
- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong phần mềm
Xử lý vi phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính
Tùy thuộc vào hành vi vi phạm bản quyền phần mềm, pháp luật quy định hướng dẫn các biện pháp xử lý xâm phạm khác nhau. Thông thường, trong những trường hợp xâm phạm bản quyền trước hết sẽ bị xử lý hành chính thông qua các biện pháp cảnh cáo, phạt tiền và một số biện pháp khắc phục đi kèm được quy định tại Nghị định 131/2013.NĐ-CP.
Đối với hành vi sao chép trái phép phần mềm, mức phạt tiền theo quy định giao động từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng; kèm theo đó là Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của phần mềm cũng được quy định mức xử phạt tại Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Có thể tự bảo hộ bản quyền phần mềm như thế nào?
Khi phát hiện ra các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm đang diễn ra, trước hết bạn có thể chủ động áp dụng các biện pháp tự bảo hộ quyền tác giả như:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bảo vệ phần mềm trước các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm là quá trình lâu dài, bền bỉ. Để có thể loại bỏ triệt để những hành vi xâm phạm đến quyền tác giả đối với phần mềm của mình, bạn cần nắm rõ các quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Tham khảo các bài viết liên quan khác của chúng tôi trên trang https://banquyenquocte.com.